Tạo ‘đại lộ’ thể chế để TP.HCM bứt tốc

Tạo ‘đại lộ’ thể chế để TP.HCM bứt tốc

(PLO)-  Cần cho TP.HCM một cơ chế, chính sách đủ rộng lớn, đủ mạnh để khơi thông tối đa các nguồn lực, đưa TP.HCM phát triển vượt trội; đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của đất nước.

Trong nghiên cứu “Leading Cities: A Global Review of City Leadership” (xuất bản năm 2019, tạm dịch “Những thành phố dẫn đầu: Một đánh giá toàn cầu về sự lãnh đạo thành phố”), một quan điểm rất đáng chú ý cho rằng các thành phố (TP) dù là lớn hay nhỏ cũng phải chịu ảnh hưởng bởi các nhân tố ở tầm quốc gia, khu vực hay toàn cầu, từ những xu thế kinh tế vĩ mô đến những cuộc xung đột về chính trị hay những thay đổi về môi trường.

Với TP.HCM, hiện tượng này kéo dài ít nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2021 cùng với nhiều biến động, điển hình là căng thẳng Mỹ - Trung Quốc, xung đột Nga - Ukraine, giá xăng dầu tăng cao… TP sẽ phải đối diện với năm 2023 bằng một tâm thế chủ động quản trị nhiều kịch bản phát triển.

HỌC GÌ TỪ NĂM 2022?

Dự kiến tăng trưởng cả năm của TP đạt 9,4% - một con số lạc quan khi mà cơn bão COVID-19 vừa quét qua TP vào năm 2021. Một kết quả ấn tượng nhưng cũng có đặc tính “tăng trưởng thống kê”, bởi kinh tế TP hai quý cuối năm 2021 giảm sâu, khi quý III và quý IV tăng trưởng âm. Vậy nên nếu so sánh với hai quý cuối năm ngoái thì tăng trưởng năm 2022 đạt mức cao là điều có thể giải thích.

Hơn nữa, hiệu suất tăng trưởng của TP phản ánh sự đóng góp mạnh mẽ từ nguồn lao động, tích lũy vốn cũng như tăng trưởng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP). Nhân khẩu học thuận lợi, cửa ngõ xuất nhập khẩu, đầu tư trong và ngoài nước cao… đã đóng góp, tạo đà nhanh cho việc phục hồi.

Tạo ‘đại lộ’ thể chế để TP.HCM bứt tốc. Ảnh minh họa

Tạo ‘đại lộ’ thể chế để TP.HCM bứt tốc. Ảnh minh họa

Kinh tế TP tăng trưởng trở lại cũng nhờ sự năng động của người dân, doanh nghiệp - những chủ thể chính của nền kinh tế. Họ vượt qua thách thức để làm ăn, kinh doanh, thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội của TP phục hồi nhanh, góp sức cho các chính sách, chương trình đặt ra. Về phía chính sách, TP cũng chủ động, tích cực đeo bám những chuyển động của thị trường, khu vực và quốc tế, đồng thời quyết tâm theo đuổi, hoàn thành các mục tiêu trong từng giai đoạn. Đã có nhiều chương trình chiến lược, không chỉ về kinh tế mà còn bao quát nhiều lĩnh vực như y tế, an sinh xã hội… được TP triển khai.

Ngoài ra, có bốn nhóm yếu tố ngoại sinh giúp kinh tế TP phục hồi mạnh mẽ. Một là Chính phủ đã thành công ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội trong chín tháng đầu năm, dù ở giai đoạn ba tháng cuối năm, chúng ta gặp vài vấn đề về điều hành vĩ mô. Hai là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã phục hồi mạnh mẽ, tạo ra lực lượng sản xuất, đầu tư, tiêu dùng tại các cửa ngõ và trung tâm thương mại - dịch vụ của TP.

Ba là sự đóng góp của kiều bào ta ở nước ngoài qua dòng kiều hối chuyển về TP.HCM được duy trì rất lớn, ước tính đạt 4,78 tỉ USD trong năm nay. Cuối cùng, dù tình hình địa chính trị, địa kinh tế căng thẳng ở một số nước nhưng “trong nguy có cơ” - xuất hiện sự dịch chuyển chuỗi sản xuất giá trị từ một số nước (như Trung Quốc) sang các nước châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á. Sự phát triển các chuỗi cung ứng toàn cầu được dẫn dắt bởi Mỹ, Nhật Bản, hay châu Âu đang theo phương thức “friend zone”, tìm kiếm các đối tác mà họ cảm thấy chân thành, đáng tin cậy về chiến lược, cùng nhau chia sẻ về các quy tắc, luật lệ chung.

Rất cần sự “nóng máy”, đồng lòng

TS Trương Minh Huy Vũ
TS Trương Minh Huy Vũ

Tôi cũng muốn nhấn mạnh nhân tố “lãnh đạo” (leadership) trong việc thúc đẩy nền kinh tế TP bứt tốc trong năm 2023. Lãnh đạo hiệu quả không phải do một cá nhân nào tạo ra; lãnh đạo hiệu quả không chỉ bao gồm nỗ lực của các cá nhân có tầm nhìn, mà còn là sự tổ chức, cấu trúc, kế hoạch để biến tầm nhìn ấy thành hiện thực. Vì vậy, vượt qua một năm 2023 dự kiến nhiều biến động và khó khăn đòi hỏi sự vào cuộc, “nóng máy”, đồng lòng, khoa học và đồng bộ từ trên xuống dưới với lợi ích của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm.

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ

NĂM TRỌNG TÂM QUAN TRỌNG NĂM 2023

Thực tiễn cho thấy nếu môi trường kinh tế vĩ mô quốc gia thuận lợi thì tác động tích cực đến kinh tế TP.HCM lớn hơn nhiều so với cả nước nhưng nếu ngược lại thì tác động tiêu cực cũng theo xu hướng xấu hơn theo chiều ngược lại. Thế nên, “ổn định vĩ mô” phải là ưu tiên hàng đầu. Nhìn vào bối cảnh kinh tế toàn cầu và Việt Nam năm 2023, có thể dự báo kinh tế vĩ mô sẽ gặp nhiều khó khăn. Nghị quyết Quốc hội đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 khoảng 6,5%.

Trong bối cảnh đó, TP.HCM cần tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, chú ý đến các chỉ dấu tác động từ môi trường bên ngoài lẫn nội tại; xây dựng các phương án quản trị rủi ro trên địa bàn TP. Dù chịu tác động bởi nhiều nhân tố nhưng TP quyết tâm đặt ra mục tiêu tăng trưởng năm 2023 từ 7,5% đến 8,0%. Con số này là khả quan khi quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi, các tác động từ bối cảnh quốc tế không quá lớn.

Năm 2023, TP.HCM sẽ thúc đẩy nhiều dự án hạ tầng giao thông, đô thị quan trọng về đích kịp thời. Ảnh: NGUYỆT NHI
Năm 2023, TP.HCM sẽ thúc đẩy nhiều dự án hạ tầng giao thông, đô thị quan trọng về đích kịp thời. Ảnh: NGUYỆT NHI

Để đảm bảo được những kịch bản tăng trưởng lạc quan, năm 2023 TP có năm trọng tâm cần chỉ đạo, điều hành quyết liệt.

Một là thúc đẩy các công trình giao thông vận tải mang tính trọng điểm, chẳng hạn như các tuyến metro số 1, số 2; các đường vành đai 3, 2, 4; cao tốc Mộc Bài - TP.HCM; cảng biển quốc tế Cần Giờ… tạo ra một chuỗi hạ tầng mang tính kết nối cao với toàn vùng.

Hai là đẩy mạnh cải cách hành chính; tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, gắn liền với chủ đề năm 2023 mà TP xác định là “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”. Yêu cầu quan trọng nhất của cải cách tới đây là phải gắn chặt với quyết tâm chuyển đổi số, nhằm tạo ra những thay đổi thực sự về chất đối với hoạt động công vụ, hình thành nên một môi trường đầu tư hiện đại, hiệu quả, đủ uy tín và sức cuốn hút đối với người dân, doanh nghiệp.

Ba là khơi thông các dòng chảy tiêu dùng và đầu tư xã hội trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp TP.

Bốn là triển khai tiếp các nội dung của Nghị quyết 54 của Quốc hội, nghiên cứu cơ chế, chính sách thí điểm và kiến nghị ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 với những cơ chế vượt trội hơn, nhằm tạo ra một “đại lộ” thể chế đủ để khơi thông tối đa các nguồn lực, đưa TP.HCM phát triển vượt trội; đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của đất nước.

Cuối cùng là đổi mới công tác tuyển dụng, đánh giá bổ nhiệm cán bộ; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút nhân tài, đặt hàng giải quyết các vấn đề phát triển TP.HCM.

Kỳ vọng vào “tổ công tác” của Chính phủ

Việc thí điểm tổ công tác tháo gỡ các vấn đề vướng mắc tại TP.HCM của Thủ tướng do bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm tổ trưởng và thành viên gồm lãnh đạo các bộ, cơ quan liên quan và chủ tịch UBND TP là một sáng kiến quan trọng để giải quyết công tác phối hợp giữa nhiều cơ quan liên quan; cần phát huy và tận dụng hiệu quả hơn nữa tổ công tác này trong năm 2023.

Tổ công tác có thể chia các kiến nghị của TP.HCM thành ba nhóm: (a) Nhóm các vấn đề khả thi, quan trọng, cấp bách và có thể xử lý được ngay; (b) Nhóm các vấn đề có thể làm nhưng cần phải điều chỉnh (các) quy định của pháp luật; (c) Nhóm các vấn đề không khả thi trong ngắn hạn, tức cần nhiều thời gian để bổ sung hay điều chỉnh các quy định của pháp luật hoặc (và) phải cần đến các điều kiện khác. Từ đó, tổ công tác lập danh sách 3-5 đầu việc ưu tiên tập trung tháo gỡ trong sáu tháng đầu năm 2023, báo cáo kết quả cho Thủ tướng trong quý II-2023 (nên ưu tiên các công trình, dự án hạ tầng giao thông, đô thị phục vụ dân sinh).


(*) TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nghiên cứu viên cao cấp tại Trường Chính sách công và Môi trường (SPEA) thuộc ĐH Indiana (Mỹ) 2022-2024.

Đọc thêm