Tạo hiện trường giả tự tử có vi phạm pháp luật?

(PLO)- Trường hợp người có hành vi dựng hiện trường giả vụ tự tử mà không nhằm mục đích như thủ đoạn phạm tội nhưng lại gây mất trật tự tại nơi công cộng như cầu, đường phố thì có thể bị xử phạt hành chính về hành vi gây mất trật tự công cộng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, có trường hợp một người phụ nữ ở tỉnh Vĩnh Phúc do giận chồng nên dựng hiện trường giả vụ tự tử trên cầu Đông Trù, Hà Nội để doạ, gây áp lực. Theo đó, cơ quan chức năng đã tìm thấy 4 mẹ con trên ở địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong tình trạng an toàn, sức khỏe tốt.

Cho tôi hỏi: Việc tự ý tự tử có bị xử phạt hay không? Người xem đứng coi người tự tử mà không cứu người tự tử có bị xử phạt? Tạo hiện trường giả để tự tử có vi phạm pháp luật?

Bạn đọc Ngọc Châu, TP.HCM

Tạo hiện trường giả để tự tử có vi phạm pháp luật?
Tạo hiện trường giả tự tử để dọa chồng, có vi phạm pháp luật?

Luật sư Đỗ Trúc Lâm, Đoàn Luật sư TP.HCM trả lời:

. Việc tự ý tự tử có bị xử phạt hay không?

Điều 19 Hiến pháp năm 2013 quy định: "Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật".

Điều 33 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: "Cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật".

Tuy nhiên, tự tử là hành vi đến từ ý chí chủ quan của một người, không phải là bị người khác tước đoạt mạng sống. Hiện nay không có quy định pháp luật nào cấm một người tự tử. Nguyên tắc công dân được thực hiện những điều mà pháp luật không cấm. Cho nên, hành vi tự tử không bị coi là vi phạm pháp luật, không có chế tài pháp lý đối với trường hợp này.

. Người xem đứng coi người tự tử mà không cứu người tự tử có bị xử phạt hay không?

Một người có hành vi tự tử cũng được xem là đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, khi tính mạng của người đó đang trực tiếp bị đe dọa và cần phải có sự cứu giúp kịp thời của người khác.

Theo đó, người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự theo Điều 132 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) về Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Mức phạt áp dụng là phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm; khung hình phạt cao nhất điều luật quy định là phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

. Việc tạo hiện trường giả để tự tử có vi phạm pháp luật?

Về nghi vấn tạo hiện trường giả một vụ tự tử: Trước hết, Cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ động cơ, mục đích của người thực hiện hành vi này. Khi đó, có hai trường hợp xảy ra:

1/ Hành vi tạo hiện trường giả được sử dụng như một thủ đoạn để thực hiện tội phạm khác, ví dụ như gian dối, lừa gạt nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác,... thì bị xử lý về tội phạm tương ứng đó.

2/ Trường hợp người có hành vi dựng hiện trường giả vụ tự tử mà không nhằm mục đích như thủ đoạn phạm tội, nhưng lại gây mất trật tự tại nơi công cộng như cầu, đường phố thì có thể bị xử phạt hành chính về hành vi gây mất trật tự công cộng theo Điểm a Khoản 1 Điều 7 Nghị định 144/2021 của Chính Phủ, với mức phạt là từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm