Tập đoàn CIP hàng đầu Đan Mạch muốn đầu tư dự án điện gió tại Bình Thuận

(PLO)- Tập đoàn CIP đang nghiên cứu dự án điện gió ngoài khơi tại Bình Thuận, và mong muốn sớm được khảo sát, đo đạc, quan trắc… vùng biển phục vụ phát triển điện gió.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Triển khai khuôn khổ Đối tác toàn diện, Đối tác chiến lược xanh Việt Nam-Đan Mạch, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà có chuyến thăm làm việc tại Đan Mạch từ ngày 24 đến 26-11. Ngày 25-11, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đến thăm, làm việc với Tập đoàn A.P Moller-Maersk, một trong những tập đoàn cung cấp dịch vụ logistics tích hợp lớn nhất thế giới và tập đoàn CIP.

Tập đoàn CIP hàng đầu Đan Mạch muốn đầu tư dự án điện gió tại Bình Thuận
Lãnh đạo tập đoàn C.I.P mong muốn được đầu tư dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam - Ảnh: VGP

Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), một trong những nhà phát triển điện gió ngoài khơi hàng đầu thế giới và là nhà đầu tư tài chính lớn nhất thế giới chuyên về phát triển năng lượng xanh, có trụ sở chính tại Đan Mạch.

Vui mừng được đón Phó Thủ tướng tới thăm trụ sở, bà Christina Sørensen, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành CIP cho biết tập đoàn đang quản lý 11 quỹ và đã huy động được khoảng 25 tỷ Euro cho các khoản đầu tư vào năng lượng và cơ sở hạ tầng liên quan.

Các dự án năng lượng xanh của tập đoàn CIP bao gồm điện gió ngoài khơi và trên đất liền, điện mặt trời, điện sinh khối, truyền tải và phân phối, công suất dự trữ và lưu trữ, năng lượng sinh học tiên tiến…

Tại Việt Nam, CIP đang nghiên cứu dự án điện gió ngoài khơi tại Bình Thuận, và mong muốn các cấp thẩm quyền sớm ban hành các cơ chế, chính sách cho phép nhà đầu tư nước ngoài được khảo sát, đo đạc, quan trắc… vùng biển phục vụ phát triển điện gió ngoài khơi.

Phó Thủ tướng đánh giá cao hoạt động của CIP thời gian qua, cũng như kế hoạch, mong muốn, định hướng phát triển, hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.

2611PhoTT.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết sau khi Luật Điện lực (sửa đổi) được Quốc hội Việt Nam thông qua sẽ tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho phát triển dự án điện gió ngoài khơi - Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng cho biết sau khi Luật Điện lực (sửa đổi) được Quốc hội Việt Nam thông qua sẽ tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho phát triển dự án điện gió ngoài khơi. Chính phủ Việt Nam cũng chuẩn bị ban hành nghị định nhằm tháo gỡ khó khăn trong vấn đề giao biển để khảo sát, đầu tư.

Phó Thủ tướng lưu ý, với kinh nghiệm đã triển khai các dự án điện gió ngoài khơi trên thế giới, CIP phối hợp với Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đối tác trong chuyển giao công nghệ, quy hoạch, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hạ tầng truyền tải, định giá bán điện hài hòa, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Ngoài ra, CIP có thể nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ để xuất khẩu điện năng hoặc sản xuất hydro xanh, amoniac xanh khi đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi.

Tại các buổi làm việc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Đan Mạch, với thị trường có dân số khoảng 100 triệu người, tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh; nền kinh tế hội nhập sâu rộng.

Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nền kinh tế lớn; cam kết thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính bằng 0 (NetZero) vào năm 2050; có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), là đối tác trong Thỏa thuận chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP)…

Phó Thủ tướng tin tưởng các doanh nghiệp Đan Mạch sẽ tìm thấy ngày càng nhiều cơ hội đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam để “cùng hợp tác, cùng tin tưởng, có định hướng đúng đắn, để đạt được những thành tựu mới”; đồng thời tham vấn cho Chính phủ, các bộ, ngành của Việt Nam xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách tạo không gian phát triển, đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp hai nước trong những lĩnh vực mới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm