HỌ ĐÃ NHẬP CUỘC NHƯ THẾ NÀO? - BÀI 1:

Tập dượt bãi khóa tại Nha Trang

Trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lược, nếu chấp nhận lối sống vị kỷ, cá nhân, chỉ cần ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành, những sinh viên này sẽ có một tương lai nhung lụa.

Thế nhưng vì lòng yêu nước, nhiều người đã dấn thân đấu tranh chống chế độ cầm quyền, dù không ít người trong số đó thuộc thành phần ưu đãi của chế độ.

Nhân kỷ niệm 35 năm ngày thống nhất, như một tình cờ, chúng tôi gặp lại một vài anh chị trong số đó và nghe họ nói, về sự lựa chọn, về một con đường, một thời và mãi mãi.

Năm 1963, sau vụ chính phủ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo, Thượng tọa Thích Quảng Đức tự thiêu và nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam tự tử, phong trào Phật giáo và sinh viên học sinh chống chế độ “độc tài gia đình trị Diệm-Nhu” nổi lên tại hầu hết các tỉnh miền Nam Việt Nam. Tại Sài Gòn, tôi cùng một số sinh viên yêu nước từng học chung ở trung học Võ Tánh (Nha Trang) thành lập phong trào sinh viên chống Diệm, với số cốt cán là các anh Trần Hưng Đoàn, Huỳnh Kim Báu, Phan Thanh Huân (*) và tôi. Lúc ấy chúng tôi đang tuổi thanh xuân, mang tinh thần yêu nước tự nhiên qua những bài học ở nhà trường, bức xúc trước tình hình đất nước nên muốn làm điều gì đó thay đổi tình thế chứ chưa hề biết đến cách mạng, giải phóng, đấu tranh giai cấp… Chúng tôi tự thảo nội dung truyền đơn, tự đánh máy và quay ronéo, tham gia biểu tình, mít-tinh do Phật giáo tổ chức, và bị mật vụ theo dõi ráo riết.

Lộ ở Sài Gòn, chuyển lửa về Nha Trang

Tại Nha Trang, giới trẻ thành lập tổ chức Liên đoàn Sinh viên-Học sinh Phật tử Khánh Hòa, đấu tranh chống Diệm, định tổ chức bãi khóa tại nhiều trường trung học thuộc thị xã Nha Trang vào khoảng cuối tháng 9-1963 nhưng những người cầm đầu sớm bị bắt. Thấy hoạt động ở Sài Gòn có nguy cơ bị bắt, trong khi Nha Trang đang cần người giữ lửa, chúng tôi rủ nhau về Nha Trang hoạt động. Lúc ấy là khoảng đầu tháng 10-1963. Vừa dịp Liên đoàn Sinh viên-Học sinh Phật tử Khánh Hòa thiếu người cầm đầu, tổ chức này bầu tôi làm trưởng đoàn. Tôi thú thật với anh chị em, bản thân không rành lắm về Phật sự. Anh chị em nói: “Lúc này chỉ cần người biết tổ chức biểu tình, bãi khóa”.

Thế là chúng tôi lập tức bắt tay lên kế hoạch bãi khóa.

Sinh viên, học sinh biểu tình sau cái chết của Quách Thị Trang.

Về lực lượng, liên đoàn có đến mấy trăm người, hầu hết là học sinh các trường Võ Tánh, Nữ trung học Nha Trang và bán công Lê Quý Đôn, đa số lâu nay sinh hoạt trong các tổ chức Phật tử. Chúng tôi chia anh chị em thành nhiều tổ và chỉ liên lạc với các tổ trưởng để giữ bí mật, chọn nhà Trần Hưng Đoàn làm “tổng hành dinh”. Nhà Đoàn nằm ngay trung tâm thành phố, là một biệt thự rộng lớn. Cha Đoàn là công chức cỡ lớn làm việc tận Phan Rang. Muốn bãi khóa phải có truyền đơn. Đoàn và tôi cùng soạn thảo, ngắn gọn. Không có máy quay ronéo, chúng tôi làm theo kiểu thủ công nghiệp.

Gây tiếng nổ, rải truyền đơn và bãi khóa

Chúng tôi quyết định nhắm trọng tâm vào Trường Trung học Võ Tánh, dùng tiếng nổ lớn làm ám hiệu đồng loạt bãi khóa. Nhưng làm thế nào gây tiếng nổ lớn? Gây tiếng nổ lớn mà không làm tổn thương đến bất cứ ai?

Khi ấy, Trường Huấn luyện hạ sĩ quan Đồng Đế, Nha Trang, có loại lựu đạn giả dùng để tập trận, gây tiếng nổ lớn giống hệt tiếng nổ của lựu đạn thật nhưng chỉ văng toàn miểng bằng giấy. Do chỉ “thu gom” được hai trái lựu đạn giả nên chúng tôi tập trung cho Trường Võ Tánh; còn tại hai điểm phụ, Trường Nữ Trung học và Lê Quý Đôn, sẽ sử dụng loại pháo đại đốt cháy chậm. Chúng tôi cũng có “sáng kiến” đốt pháo cháy chậm bằng cách nối ngòi pháo với cây nhang đã ngắt bỏ phần tăm nhang. Ngay chỗ đặt pháo sẽ là bó truyền đơn kêu gọi bãi khóa.

Đúng 8 giờ sáng 26-10-1963 (ngày 26-10 hồi đó là ngày Quốc khánh của chế độ Ngô Đình Diệm), bốn người đi trên hai xe gắn máy chạy dọc hai bên hông Trường Võ Tánh cùng lúc tung hai trái lựu đạn giả vào khuôn viên trường. Nghe tiếng nổ, những học sinh thuộc Liên đoàn Sinh viên-Học sinh Phật tử la lớn, chạy ra khỏi lớp học và kéo theo không ít học sinh khác hoảng hốt chạy theo. Học sinh trong liên đoàn tung truyền đơn, nhất là số học trên lầu, thả truyền đơn xuống tầng dưới.

Một giai đoạn lịch sử đã qua đi. Một thời thơ ấu đã qua đi với vô vàn kỷ niệm (khi tổ chức bãi khóa, tôi vừa 18 tuổi). Tôi vẫn nghĩ rằng vụ tổ chức bãi khóa tại Nha Trang đã giúp tôi quy tụ bạn bè, tập sự học hỏi làm công tác bí mật để sau này khi tham gia cách mạng dễ dàng hoạt động hơn.

Tôi giác ngộ từ tấm gương người bạn tù

“Tôi tham gia phong trào từ sự bồng bột, phản kháng của tuổi thanh niên. Tôi được cán bộ Mặt trận truyền đạt một số tài liệu như Chính sách 10 điểm của Mặt trận… nhưng tôi chỉ hiểu mơ hồ về các thuật ngữ chính trị, chỉ xác định đây là tổ chức yêu nước đánh Mỹ giành độc lập. Trong lần bị bắt giam, có một người tù bị giam rất lâu, rất rành rẽ việc chăm sóc anh em tù bị tra tấn, anh ta không được ai thăm nuôi. Tôi thương anh ta nên nói thật lòng: Gia đình tôi có điều kiện thăm nuôi, tiếp tế, anh có cần gì cứ nói, tôi sẽ nhờ gia đình đem vô. Anh ta suy nghĩ hồi lâu rồi nghiêm nghị nói: “Nếu được, anh nói gia đình gởi vô thật nhiều muối hột. Anh em bị tra tấn rất cần đắp muối để tan máu bầm, đỡ đau đớn”. Tôi thật sự cảm phục và hiểu ra làm cách mạng là phải như thế đó. Dù bản thân mình đang thiếu thốn mọi bề nhưng luôn nghĩ và hy sinh cho người khác. Chính từ tấm gương ấy, tôi đã theo cáchmạng đến cùng.”

Luật sưPHAN THANH HUÂN

Tác giả bên cạnh tượng Quách Thị Trang.

Tác giả Vũ Quang Hùng, bí danh Bảy Điệp, nguyên thiếu tá An ninh T4. Quê ở Hải Phòng, cha nguyên là hiệu phó Truờng Trung học Hải Phòng di cư vào Nha Trang. Ông Hùng là người chỉ huy nhóm an ninh ám sát Giáo sư Nguyễn Văn Bông, Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh, chỉ một tuần lễ trước khi ông Bông nhậm chức thủ tướng chính quyền Sài Gòn theo sự dàn xếp của Mỹ. Nhiệm vụ hoàn thành nhưng chỉ một tuần lễ sau, ông và cả nhóm bị bắt, bị đưa ra tòa án quân sự đặc biệt, bị cáo buộc mức án tử hình. May sao, cha của Phan Thanh Huân (người bị cáo buộc cung cấp lựu đạn để giết giáo sư Bông) là sĩ quan cao cấp của chế độ cũ, đã làm giấy xác nhận trong thời gian xảy ra vụ án, ông Huân có mặt tại một đơn vị chiến đấu ở Campuchia. Do bằng chứng ngoại phạm này, tòa tha bổng cho ông Huân và ông Hùng chỉ bị tuyên án chung thân, đày ra Côn đảo.

VŨ QUANG HÙNG

(*) Là sinh viên đại học khoa học, cùng Vũ Quang Hùng tham gia phong trào sinh viên đấu tranh rồi cùng tham gia An ninh T4, được tổ chức bố trí vào hàng ngũ sĩ quan quân đội Sài Gòn. Hiện là luật sư Đoàn Luật sư TP.HCM.

Kỳ tới: Dựng tượng Quách Thị Trang ngay trước mũi súng của cảnh sát

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới