Năm 2004, ông Lê Cao Tánh được Trường THPT bán công Nguyễn Du (Đà Lạt, Lâm Đồng) ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Làm giáo viên tại đây được hai năm thì ông gặp sự cố. Một học sinh thấy ông đi ngang qua đã gọi tên ông ra chửi bậy. Khi ông kêu lên hỏi, em này tỏ thái độ hỗn hào khiến ông tức quá tát cho mấy cái chảy máu mũi.
Vài ngày sau, ông bị hiệu trưởng ra quyết định tạm đình chỉ công tác. Sau đó, nhà trường đề nghị Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng xem xét, quyết định hình thức kỷ luật đối với ông. Đầu năm 2007, căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của Sở GD&ĐT, hiệu trưởng đã ra quyết định sa thải ông.
Không đồng ý, ông Tánh đã khiếu nại nhưng nhà trường vẫn giữ nguyên quyết định. Tháng 7-2007, ông Tánh khởi kiện vụ án lao động ra TAND TP Đà Lạt. Trong đơn kiện, ông yêu cầu tòa án xử hủy quyết định sa thải, buộc nhà trường bố trí cho ông làm việc trở lại, đồng thời bồi thường cho ông các thiệt hại phát sinh.
Điểm a Điều 33 Quyết định 23/2000 của Bộ GD&ĐT (về việc ban hành Điều lệ trường trung học) quy định: “Cấm giáo viên có những hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của học sinh và đồng nghiệp”. Với việc đánh học sinh như đã nêu trên thì ông Tánh đã vi phạm điều lệ.
Thế nhưng việc kỷ luật bằng hình thức sa thải có đúng không vì theo khoản 1 Điều 85 Bộ luật Lao động năm 1995 (đã được sửa đổi, bổ sung) thì vi phạm của ông Tánh không thuộc trường hợp bị sa thải? Đáng tiếc là cả hai bản án sơ thẩm (tháng 4-2008) và phúc thẩm (tháng 9-2008) không làm rõ nội dung này và đều xử cho ông thua kiện. Lần này ông đã gửi đơn khiếu nại đến cấp tối cao.
Tháng 6-2011 vừa qua, VKSND Tối cao đã ra quyết định kháng nghị vụ án của ông Tánh theo trình tự giám đốc thẩm. Cơ quan này đề nghị Tòa Lao động TAND Tối cao hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm với nhận định: Hành vi đánh học sinh của ông Tánh chỉ có thể bị xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức khiển trách (theo khoản 1a Điều 84 BLLĐ) hoặc chuyển làm công việc khác có mức lương thấp hơn trong thời hạn tối đa sáu tháng (theo khoản 1b Điều 84 BLLĐ).
Trường hợp nào bị sa thải? Hình thức xử lý kỷ luật sa thải chỉ được áp dụng trong những trường hợp sau đây: - Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh hoặc có hành vi khác gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của doanh nghiệp; - Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương, chuyển làm công việc khác mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm; - Người lao động tự ý bỏ việc năm ngày cộng dồn trong một tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong một năm mà không có lý do chính đáng. (Theo Điều 85 BLLĐ) |
CAO DIÊN