Tàu gặp bão bị nạn, có được bảo hiểm?

Tháng 9-2009, Công ty Thương mại Vận tải biển Hợp Thành (Công ty Hợp Thành, trụ sở tại 16 Nguyễn Du, TP Đà Nẵng) mua bảo hiểm thân tàu biển cho tàu Hợp Thành 07 từ Công ty Cổ phần Bảo hiểm AAA (Công ty AAA). Trong hợp đồng bảo hiểm có các điều khoản chính như phạm vi hoạt động là bảo hiểm theo chuyến (đi từ cảng Đà Nẵng đến cảng Hải Phòng), số tiền được bảo hiểm là 1,5 tỉ đồng... Điều kiện bảo hiểm gồm mắc cạn, va chạm vào đá, vào vật thể cố định hoặc trôi nổi trên bờ hoặc dưới nước, bão tố, sóng thần, gió lốc...

Bảo hiểm đền toàn bộ

Chiều 26-9-2009, tàu Hợp Thành 07 rời cảng Đà Nẵng để đi Hải Phòng theo giấy phép của Cảng vụ hàng hải Đà Nẵng trong thời điểm cơn bão số 9 (có tên quốc tế là Ketsana) đang đổ bộ vào Việt Nam. Khi tàu ra luồng đến Hòn Sơn Trà Con (Đảo Ngọc, Đà Nẵng) thì gặp gió khoảng cấp 4, cấp 5. Thuyền trưởng vẫn giữ hướng hành trình với tốc độ khoảng bốn hải lý/giờ để tìm cách đưa tàu vào nơi trú gió gần bờ nhất.

Tuy nhiên, sau đó sóng gió nổi lên dữ dội, tàu chỉ chạy được tốc độ dưới một hải lý/giờ nên không kịp vào nơi trú gió, cứ loay hoay rồi trôi dạt trên biển vì bị sự cố hệ thống truyền động lái. Tối 28-9, tàu bị sóng lớn đánh dạt vào bờ biển vùng Thừa Thiên-Huế rồi mắc cạn tại đây. Toàn bộ thuyền viên đều an toàn, riêng tàu bị hư hỏng nặng. Sau đó, Công ty Hợp Thành phải liên hệ đơn vị lai dắt tàu Hợp Thành 07 vào bờ và di chuyển ra Hải Phòng sửa chữa với chi phí hơn 500 triệu đồng.

Sau khi Công ty AAA từ chối chi trả bảo hiểm tai nạn, Công ty Hợp Thành đã khởi kiện Công ty AAA ra TAND TP Đà Nẵng để đòi lại số tiền bị thiệt hại. Xử sơ thẩm lần đầu hồi tháng 3-2011, TAND TP Đà Nẵng đã buộc Công ty AAA phải bồi thường cho Công ty Hợp Thành hơn 650 triệu đồng (tiền cứu hộ tàu mắc cạn là 592 triệu đồng, tiền lãi do chậm thanh toán hơn 60 triệu đồng). Công ty AAA kháng cáo nhưng Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm lần đầu đã giữ nguyên án sơ thẩm.

Tàu biển thường phải đối mặt với giông bão khi ra khơi. Ảnh minh họa: T.TÀI

Hay chỉ phải trả một phần?

Sau phiên phúc thẩm, Công ty AAA một mặt khiếu nại giám đốc thẩm, mặt khác vẫn thi hành án, trả cho Công ty Hợp Thành hơn 650 triệu đồng. Tháng 10-2013, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã hủy hai bản án sơ, phúc thẩm, giao hồ sơ về cho TAND TP Đà Nẵng xử sơ thẩm lại.

Sau đó, Công ty AAA phản tố yêu cầu Công ty Hợp Thành hoàn trả hơn 650 triệu đồng mà Công ty AAA đã thi hành án. Xử sơ thẩm lần hai hồi tháng 7-2015, TAND TP Đà Nẵng đã buộc Công ty Hợp Thành phải hoàn trả hơn 163 triệu đồng cho Công ty AAA. Không đồng ý, Công ty Hợp Thành kháng cáo.

Tại phiên phúc thẩm lần hai mới đây, phía Công ty Hợp Thành cho rằng Công ty AAA phải bồi thường toàn bộ thiệt hại vì tàu Hợp Thành 07 đã thực hiện đúng mọi quy định của chuyến đi, trong suốt hành trình thuyền trưởng không nhận được thông báo nào về cơn bão. Việc tàu bị sóng lớn đánh dạt vào bờ, mắc cạn gây tổn thất là bất khả kháng dù thuyền trưởng và thuyền viên đã nỗ lực để vượt qua cơn bão.

Trong khi đó, phía Công ty AAA nói thiết bị liên lạc trên tàu Hợp Thành 07 đã hoàn chỉnh nên không thể có việc thuyền trưởng không biết thông tin gì về cơn bão số 9. Trước ngày tàu xuất phát (26-9), có rất nhiều bản tin dự báo thời tiết thông tin về bão ở vùng biển Đà Nẵng đến Cam Ranh. Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đều có công điện khẩn nêu rõ việc UBND các tỉnh, thành căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương và diễn biến của bão quyết định việc cấm không cho tàu thuyền ra khơi.

Thêm nữa, theo giấy phép của cơ quan đăng kiểm thì tàu Hợp Thành 07 chỉ được đi khi gió không quá cấp 4 nên việc thuyền trưởng tàu này mạo hiểm cho tàu ra khơi khi bão đang đổ bộ là có lỗi. Từ đó, Công ty AAA cho rằng Công ty Hợp Thành cũng phải gánh chịu một phần thiệt hại.

Cuối cùng, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng thành phần HĐXX trong cả hai phiên tòa sơ thẩm lần đầu và sơ thẩm lần hai đều có chung một hội thẩm tham gia. Việc này vi phạm tố tụng nghiêm trọng nên tòa hủy án sơ thẩm lần hai, trả hồ sơ cho TAND TP Đà Nẵng xét xử lại.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ kiện có diễn tiến mới.

Luật xung đột, ưu tiên luật chuyên ngành

Tại phiên phúc thẩm lần hai, thẩm phán chủ tọa nhận xét: Theo khoản 1, khoản 2 Điều 244 Bộ luật Hàng hải thì chỉ có hai trường hợp: Hoặc người bảo hiểm chịu trách nhiệm bồi thường 100% tổn thất trong phạm vi số tiền bảo hiểm, hoặc miễn trừ 100% trách nhiệm bồi thường do hành động cố ý hoặc quá cẩu thả của người được bảo hiểm. Quy định này của Bộ luật Hàng hải khác hoàn toàn với quy định tại khoản 3 Điều 576 BLDS (nếu người được bảo hiểm có lỗi vô ý thì bên bảo hiểm không phải trả một phần tiền bảo hiểm tương ứng với mức độ lỗi của bên được bảo hiểm). Do vậy, việc tòa sơ thẩm lần hai áp dụng cả hai điều luật nhưng vẫn buộc Công ty AAA phải bồi thường một phần tổn thất theo tỉ lệ lỗi vô ý của bên được bảo hiểm là chưa phù hợp.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về tình huống có xung đột pháp luật như trên, nhiều chuyên gia cho biết về nguyên tắc tòa án phải ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành (pháp luật về hàng hải và bảo hiểm), chừng nào không có luật chuyên ngành hoặc luật chuyên ngành không quy định thì mới áp dụng BLDS.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới