Tàu Hải Dương Địa chất 4 của Trung Quốc đã rời vùng biển của Việt Nam

(PLO)- Theo Bộ Ngoại giao, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam cho biết tàu Hải Dương Địa chất 4 đã rời khỏi vùng biển của Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại họp báo chiều 6-4, trước thông tin tàu Hải Dương Địa chất 4 của Trung Quốc thời gian qua có hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Bộ Ngoại giao cho biết trước đây đã có quan điểm về việc này.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã cập nhật thông tin về hoạt động của tàu Hải Dương Địa chất 4 của Trung Quốc.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng.

Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán các hoạt động ở khu vực Biển Đông cần tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam được xác lập phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam cho biết tàu Hải Dương Địa chất 4 đã rời khỏi vùng biển của Việt Nam.

Liên quan tới cuộc trả lời phỏng vấn của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim với tờ China Daily (Trung Quốc) đăng tải ngày 4-4, trong đó ông kêu gọi đối thoại để giải quyết tranh chấp Biển Đông, và cho rằng đây không phải là vấn đề không thể vượt qua, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết:

Là quốc gia kiên định với lập trường giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, Việt Nam ủng hộ việc các nước có thể cùng nhau hợp tác và giải quyết các bất đồng trong vấn đề Biển Đông trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các nước, được xác định bởi UNCLOS năm 1982, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, trật tự pháp lý trên biển, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, thúc đẩy phát triển bền vững biển và đại dương.

Với chủ trương trên, Việt Nam luôn sẵn sàng cùng các quốc gia liên quan đàm phán, giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ do lịch sử để lại, đóng góp tích cực cho quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước, cũng như đóng góp cho hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Về việc Tổ chức Khoa học tự nhiên Trung Quốc công bố danh sách 33 khu vực khảo sát thường xuyên, trong đó có một số tuyến như NH2, NH3 bao trùm lên quần đảo Trường Sa và vùng biển của Việt Nam, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ:

Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, và quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam, được xác lập phù hợp với UNCLOS 1982.

Việc tiến hành khảo sát, nghiên cứu khoa học trong phạm vi quần đảo Trường Sa và vùng biển của Việt Nam được xác lập phù hợp với UNCLOS 1982 mà không được sự cho phép của Việt Nam là vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam với vùng biển của mình, do đó không có giá trị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm