Hôm 24-10 (giờ Mỹ), Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence có bài phát biểu dài 40 phút tại một sự kiện do Trung tâm Wilson, một tổ chức phi chính trị chuyên tư vấn chính sách có trụ sở tại Washington, theo tờ The Straitimes.
"Hành động quân sự của Trung Quốc trong khu vực và cách tiếp cận các nước láng giềng trong năm qua ngày càng trở nên khiêu khích" - ông Pence nói. Phó tổng thống Mỹ nói thêm Trung Quốc đã tăng cường sử dụng các tàu dân quân biển để thường xuyên hăm dọa thủy thủ và ngư dân Malaysia, Philippines. Hải cảnh Trung Quốc cũng tìm cách ngăn cản Việt Nam tiến hành hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt ở vùng biển của Việt Nam.
Sự việc ông Pence đề cập chính là hoạt động của các nhóm tàu khảo sát địa chấn mà Trung Quốc tung ra ở biển Đông từ tháng 5-2019 để quấy rối, dọa nạt các nước trong khu vực. Từ tháng 7-2019, nhóm tàu Địa chất hải dương 8 của TQ ngang ngược xâm phạm vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Việt Nam đã không ngừng phản đối hành động của Trung Quốc, khẳng định các động thái của Bắc Kinh vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Tàu Địa chất hải dương 8 của Trung Quốc ngang ngược xâm phạm vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Ngoài chỉ trích Trung Quốc về biển Đông, ông Pence còn chỉ trích nhiều chính sách khác của Trung Quốc. Vị này cho rằng Bắc Kinh chưa nỗ lực trong việc cải thiện mối quan hệ với Mỹ trong suốt thời gian qua. Phát biểu của phó tổng thống Mỹ được đưa ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) khai mạc tại Chile vào tháng tới.
Đây không phải lần đầu Phó Tổng thống Mike Pence chỉ trích và cảnh báo các hành vi sai trái của Trung Quốc. Trong bài phát biểu tại Viện Nghiên cứu Hudson, Washington, hồi tháng 10-2018 khẳng định Mỹ không lùi bước trước những hành động được coi là đe dọa từ phía Trung Quốc tại biển Đông.
Theo đó, ông Pence tuyên bố Bắc Kinh gây hấn quân sự, "lạm dụng quyền lực chưa từng thấy". "Chủ tịch Trung Quốc từng tới Nhà Trắng vào năm 2015 và nói rằng đất nước của ông ấy không có ý định quân sự hóa biển Đông. Tuy nhiên, hiện nay Bắc Kinh lại triển khai tên lửa chống hạm và phòng không tới các đảo nhân tạo (...) Trung Quốc muốn đẩy Mỹ khỏi vùng phía tây Thái Bình Dương và cố gắng ngăn cản chúng tôi hỗ trợ các đồng minh. Tuy nhiên, họ sẽ thất bại" - ông Pence nói.
Tháng 11-2019, khi dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Singapore, ông Pence tiếp tục đăng đàn nói về biển Đông. "Quý vị có thể chắc chắn rằng Mỹ sẽ tiếp tục đi tàu thuyền và thực hiện các chuyến bay đến bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép và lợi ích quốc gia chúng tôi đòi hỏi" ở khu vực biển Đông, Phó Tổng thống Pence nói.
Vị này còn khẳng định lại việc Trung Quốc quân sự hóa và mở rộng lãnh thổ ở biển Đông là phi pháp và nguy hiểm. Các hoạt động xây dựng của Trung Quốc, trong đó có bồi đắp các đảo nhân tạo, khiến các nước láng giềng lo ngại, đặc biệt là vì phần lớn các công trình này là căn cứ quân sự.
Một ngày sau phát biểu của ông Mike Pence vừa qua (25-10), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh chỉ trích bài phát biểu của phó tổng thống Mỹ là "những lời nói dối", đồng thời yêu cầu Mỹ nên lo việc nội bộ thay vì muốn xen vào chuyện người khác.
Tàu Địa chất hải dương 8 rút khỏi biển Việt Nam Ngày 24-10, hãng tin Reuters dẫn dữ liệu của trang web theo dõi định vị tàu biển Marine Traffic cho biết tàu Địa chất hải dương 8 đã rời khỏi vùng biển Việt Nam, hướng về phía Trung Quốc. Trong thông cáo phát đi chiều nay (25-10), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói: "Liên quan đến hoạt động của nhóm tàu khảo sát địa chất hải dương 8 của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng". Bà Hằng khẳng định: "Mọi hoạt động trong vùng biển Việt Nam được xác định theo UNCLOS, không được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam đều là hành động xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, các quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam và không tái diễn sự vi phạm". Mỹ không ngừng thách thức Trung Quốc Ngày 17-10, Mỹ tham gia cuộc tập trận Sama-Sama với Philippines tại Palawan, tỉnh đảo của Philippines gần quần đảo Trường Sa. Ngày 9-10, thủy quân lục chiến Mỹ và lực lượng đặc nhiệm của cảnh sát biển Philippines đã bắt đầu cuộc tập trận Kamandag. Cuộc tập trận còn có sự tham gia của Lực lượng Phòng vệ hàng hải Nhật Bản. Ngày 6-10, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan tuyên bố hoàn thành tập trận trên biển Đông, bất chấp Trung Quốc lên tiếng phản đối. Ngày 26-9, Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản khởi động diễn tập Malabar lần thứ 23 ngoài khơi tỉnh Nagasaki của Nhật Bản. Ngày 24-9, hải quân Mỹ và Singapore bắt đầu cuộc diễn tập hàng hải chung Pacific Griffin kéo dài đến ngày 11-10 gần đảo Guam. Ngày 13-9, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer của hải quân Mỹ tuần tra tự do hàng hải gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép). Ngày 2-9, Mỹ tiến hành cuộc tập trận chung đầu tiên với 10 thành viên ASEAN ở ngoài khơi vịnh Thái Lan và mở rộng cho tới vùng Cà Mau của Việt Nam. Ngày 28-8, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer đã áp sát đá Vành Khăn và đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng hiện bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo trái phép). Ngày 15-5, Lực lượng tuần duyên Mỹ và Philippines lần đầu tiến hành cuộc tập trận chung tại vùng biển gần bãi cạn Scarborough, khu vực tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc trên biển Đông. |