Cơ sở trị bệnh của thầy “Ba đạp”, tên thường gọi của thầy Ba Thạnh (ấp Tân Đông 2, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) trông như một bệnh viện y học dân tộc cổ truyền.
Khi chúng tôi đến, thầy "Ba đạp" đi vắng, nhưng có “đệ tử” là người em thứ mười trong gia đình. Đó là người đàn ông ở trần, mặc quần soóc đang lui cui sửa chiếc máy cưa tay. Anh T. chưa kịp trình bày hết các triệu chứng đau dọc cột sống của mình, “thầy” đã biểu lên giường nằm chờ. Dọn dẹp chiếc máy cưa đang sửa dở dang qua một bên, thầy chùi tay vô quần rồi bước đến chỗ bệnh nhân nằm bắt đầu "quy trình điều trị". Thầy nhúng chân vô thau thuốc, rồi đặt chân lên một cái mâm xe máy cày đang được nung nóng.
Sau tiếng “xèo”, thầy đưa bàn chân còn bốc khói giậm mạnh lên người bệnh nhân rồi miết tới miết lui, đến khi chân nguội thầy tiếp tục quy trình: ngâm chân vô thau, làm nóng chân trên mâm xe máy cày và giậm đạp lên người bệnh nhân... Đau chỗ nào thầy giậm/đạp chỗ đó cho tới khi bệnh nhân kêu đau thì thầy mới ngưng... hiệp một.
Bệnh nhân được nằm võng 15 phút để nghỉ ngơi, hồi sức chờ “hiệp hai”. Quy trình của hiệp hai cũng như hiệp một, nhưng nặng “đô” hơn! Vừa đạp thầy vừa tranh thủ khoe: “Mấy năm trước, có lúc khách đến cùng một lượt mấy chục người, xe hơi đậu dài từ đây tới ngã ba đằng kia. Lúc đó, phải năm người như tôi thay phiên nhau đạp còn không kịp”.
Anh Nguyễn Trung T. trong quá trình điều trị bằng phương pháp giậm, đạp của thầy Mười Hiệp
Cách chữa bệnh bằng chân này theo thầy Hiệp (làm việc tại cơ sở của thầy Ba Thạnh) là do “anh Ba Thạnh trong một lần nằm ngủ thấy bề trên chỉ bảo rồi anh em hợp tác làm theo”. Qua tìm hiểu, chúng tôi biết thêm, cơ sở trị bệnh của thầy Ba Thạnh còn kèm thêm việc bán nhiều loại thuốc bột, thuốc viên và một số rượu thuốc dùng để xoa bóp do chính ông Ba Thạnh bào chế. Chi phí cho phần công “giậm đạp” hai hiệp cộng với mười bịch thuốc gia truyền (tất cả đều không có địa chỉ sản xuất, không thời hạn sử dụng...) thầy Hiệp thu “hữu nghị” 230.000đ.
Trước khi ra về, chúng tôi tiếp xúc với bà Bé, 58 tuổi, ở huyện Củ Chi (TP.HCM), bị bệnh đau cột sống, đang nằm nghỉ trong nhà. Bà Bé cho biết, mấy tháng trước đã đến đây trị một lần, hôm qua đến trị lần nữa, và ở lại nghỉ đêm, mai mới về. Không rõ thầy "Ba đạp" trị cho bà có bớt bệnh không, nhưng thấy bà nằm trên giường vẫn còn rất yếu ớt. Còn anh T. dù thân hình lực lưỡng nhưng sau hai hiệp bị giậm đạp chỉ còn đủ sức ôm lưng và gục đầu lên vai anh tài xế xe ôm chở về nhà. Một tuần sau anh phải nhập viện với chẩn đoán ban đầu: tụ máu dưới da đa vùng trên cơ thể.
Trao đổi với Báo Phụ Nữ, ông Đào Văn Bá, Chủ tịch Hội Đông y xã Tân Lập, cho biết: “Cách trị bệnh này thật ra là phương pháp vật lý trị liệu theo kiểu đấm bóp giác hơi nhưng được thực hiện... bằng chân mà thôi. Do chưa gây hậu quả nghiêm trọng nào nên địa phương vẫn để thầy hành nghề chữa bệnh giúp người”.
Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề giấy phép hành nghề khám chữa bệnh và bán thuốc của ông Ba Thạnh, ông Bá thừa nhận, ông Thạnh không đủ tiêu chuẩn để được hành nghề. “Vì vậy, trước mắt, Hội Đông y xã sẽ đề nghị cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động của cơ sở trị bệnh này cho tới khi đủ điều kiện cấp giấy hành nghề”, ông Bá nói.
Theo Nguyễn Thiện - Đại Dương (PNO)
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi