Sáng nay, 20-6, Bộ NN&PTNT cho biết hiện cơ quan này đã có buổi làm với UBND tỉnh Thái Nguyên về việc xử lý sự cố đập chính và đưa ra hàng loạt phương án xử lý sự sự cố đối với đập hồ Núi Cốc, đồng thời lên phương án bảo vệ cho các vùng hạ du ảnh hưởng trực tiếp.
Hồ Núi Cốc, TP Thái Nguyên. Ảnh: TG
Báo báo cáo từ phía Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên cho biết đập chính hồ Núi Cốc có hiện tượng thấm nhỏ ở vai bờ tả phía hạ lưu. Cụ thể, từ cao trình 44 m hạ lưu bờ tả có hiện tượng thấm nhiều và lan rộng, trong khi đó rãnh thoát nước hạ lưu đập tại cao trình 32 m và 42 m bị đổ gãy chiều dài 200 m làm tụt các tấm lát mái.
Trước hiện tượng trên, Ban Chỉ huy Phòng,chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Công điện số 32 về việc đảm bảo an toàn đập, dân cư và cơ sở hạ tầng vùng hạ du công trình hHồ Núi Cốc.
Đập hồ Núi Cốc bị thấm nước và đống đá tiêu nước bị hư hỏng. Ảnh: CTV
Cụ thể, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, lưu lượng đến, mực nước thượng/hạ lưu hồ chứa, diễn biến sự cố thấm qua hai vai đập và qua đập chính; chủ động thông tin, cảnh báo cho người dân, các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở hạ du biết sự cố của hồ để chủ động các biện pháp phòng tránh, nghiêm cấm người dân, gia súc đi lại trên mái đập. Chủ động xả nước hồ chứa để hạn chế phát triển của sự cố và ngập lụt.
Khẩn trương hoàn thành phương án xử lý cấp bách đảm bảo an toàn hồ Núi Cốc, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở để triển khai thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Quyết định số 1569/QĐ-UBND ngày 14-6-2017. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai thực hiện đảm bảo an toàn công trình trong đợt mưa lũ này và mùa mưa lũ 2017 khi có yêu cầu.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên cùng với đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra giám sát, phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên xử lý cấp bách đảm bảo an toàn hồ Núi Cốc; triển khai phương án phòng, chống lụt bão theo quy định và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về các phương án phòng, chống lụt bão đối với công trình hồ Núi Cốc.
Hồ Núi Cốc là hồ nước ngọt nhân tạo, hình thành sau khi đập ngăn sông Công được xây dựng từ năm 1973 đến 1982 với mặt hồ rộng 25 km2, sâu 35 m. Hồ Núi Cốc được ví như "Hạ Long" thu nhỏ của tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Bình Nguyên
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đồng Văn Tự, Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi và an toàn đập (Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT), cho biết hiện trạng của đập hồ Núi Cốc bị thấm nước và đống đá tiêu nước bị hư hỏng.
Cũng theo ông Tự, hiện tại các chuyên gia tư vấn đã đánh giá khảo sát về nguyên nhân gây ra sự cố trên, đồng thời đưa ra các giải pháp xử lý sự cố. Theo đó việc khẩn trương là phải sửa chữa đống đá tiêu nước phía hạ lưu đập để hạ thấp đường bão hòa và khoan chống thấm tại tim đập để sự lý sự cố bảo vệ an toàn cho đập.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng đã kiểm tra thực tế về vấn đề xử lý khẩn cấp những vị trí hư hỏng, xuống cấp tại thân đập chính hồ Núi Cốc. Tại đây Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng khẳng định việc bảo đảm an toàn vận hành hồ Núi Cốc là nhiệm vụ quan trọng.
Thứ trưởng Thắng yêu cầu các đơn vị chức năng liên quan của tỉnh Thái Nguyên khẩn trương lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, chuyên môn để triển khai ngay việc xử lý cấp bách chống thấm thân đập, tìm đơn vị tư vấn nhanh chóng tổ chức hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia để có phương án xử lý hiệu quả, kịp thời.