Từ giai đoạn đầu, cơ quan điều tra cung cấp tài liệu án tham nhũng cho kiểm sát viên nhỏ giọt; thu hồi tài sản tham nhũng rất thấp và số vụ bị phát hiện, xử lý quá ít so với tình hình thực tế… Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng ngành kiểm sát tại TP.HCM ngày 18-12 cho biết như trên.
Có quận “trắng” án tham nhũng
Theo ông Dương Ngọc Hải - Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM, trong 10 năm qua (2005-2015), số lượng án điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng khoảng 150 vụ nhưng vụ nào cũng đông bị can, bị cáo.
Nhiều vụ lớn như nguyên thứ trưởng Bộ Thương mại Mai Văn Dâu, Huỳnh Ngọc Sĩ - nguyên giám đốc Ban Quản lý dự án đại lộ Đông Tây, Nguyễn Văn Khỏe - nguyên chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, Trần Kim Long - nguyên chủ tịch UBND quận Gò Vấp… Mới đây là vụ tham nhũng tại Công ty Tài chính ALC II, vụ Huỳnh Thị Huyền Như… thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng.
“Trong 10 năm qua, tin báo tội phạm tham nhũng toàn TP.HCM chưa đến 100 vụ, cho thấy công tác phát hiện tội phạm tham nhũng của chúng ta có vấn đề. Một số đơn vị, người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức, một số kiểm sát viên không theo kịp tình hình phức tạp và tinh vi của tội phạm” - ông Hải nhận định.
Theo báo cáo, trong 10 năm, VKSND quận Thủ Đức không thụ lý vụ án nào liên quan tham nhũng, không có vụ án tham nhũng nào xảy ra. Còn ở VKSND quận 5 chỉ phát hiện ba vụ, Bình Tân cũng từng ấy án đưa ra xét xử.
Lãnh đạo VKSND quận Bình Tân nhận định là địa bàn nóng trong việc vi phạm các vấn đề về xây dựng, quản lý đất đai nhưng việc phát hiện tham nhũng gặp khó khăn do chủ thể tham nhũng thường là cán bộ có trình độ, che giấu, đối phó tinh vi.
Phiên xử vụ Huỳnh Thị Huyền Như tại TAND TP.HCM. Ảnh: HTD
Tham nhũng hơn 530 tỉ, thu hồi chưa được 6 tỉ đồng
Theo VKSND TP, pháp luật quy định “tài sản tham nhũng là tài sản của người đã bị kết án về hành vi tham nhũng” nên nhiều vụ không thu hồi được hoặc rất ít. Từ lúc khởi tố đến khi có án dài, dư thời gian cho người phạm tội tham nhũng tẩu tán tài sản, chuyển hóa tài sản cho người thân, chuyển ra nước ngoài nên khi thi hành án họ thành kẻ trắng tay!
Chẳng hạn vụ Vũ Quốc Hảo, nguyên tổng giám đốc Công ty Cho thuê Tài chính II, cùng 10 đồng phạm gây thiệt hại hơn 531 tỉ đồng nhưng đến nay chỉ mới thu hồi 5,8 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Văn Chung, Viện trưởng VKSND quận 8, nói: “Thanh tra Chính phủ công bố Hà Nội và TP.HCM là địa phương phát hiện ít hoặc không có tội phạm tham nhũng, chúng ta cần phải suy nghĩ. Hiện chúng ta chưa có chiến lược mang tầm quốc gia để đối phó tội phạm tham nhũng, do đó trước mắt trung ương cần phải có cơ quan điều phối chỉ đạo, nhất là thông tin về tài sản tội phạm tham nhũng. Những đối tượng bỏ trốn cơ quan nào cũng giữ kín thông tin khiến hiệu quả thu hồi khó đạt được”.
Theo một lãnh đạo VKSND TP, hiện luật mới quy định rõ tất cả tài liệu, chứng cứ điều tra viên phải chuyển sang VKS ngay từ khi đề nghị khởi tố, tạo điều kiện cho kiểm sát viên kiến nghị ngăn chặn tẩu tán tài sản ngay từ đầu, giúp thu hồi tài sản về sau hiệu quả hơn.
Cơ quan điều tra chưa chú trọng phần dân sự Cùng ngày, TAND TP.HCM cũng tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Theo Chánh án TAND TP Ung Thị Xuân Hương, từ năm 2005 đến nay, các vụ án hình sự sơ thẩm thuộc thẩm quyền thụ lý của TAND TP liên quan tham nhũng tăng không đáng kể nhưng số lượng bị cáo ngày càng tăng mạnh. Đại diện Tòa Hình sự TAND TP thông tin: Số tiền tuyên tịch thu từ các vụ án tham nhũng gần 13.600 tỉ đồng, gần 70.000 USD nhưng công tác tịch thu, thu hồi loại tài sản này gặp khó. Theo tòa, hầu hết các vụ án về tội phạm kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đều do cơ quan điều tra Bộ Công an điều tra, VKSND Tối cao kiểm sát điều tra. Do đó, khi tòa án nhận hồ sơ vụ án, trong thời hạn chuẩn bị xét xử gặp vướng mắc cần trao đổi hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì cơ quan điều tra, VKS cùng cấp không trực tiếp giải quyết được. Cạnh đó, các vụ án tham nhũng trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai, xây dựng cơ bản… thì hậu quả vật chất do hành vi phạm tội mà các bị cáo gây ra thường rất nặng nề nhưng cơ quan điều tra thường chỉ tập trung vào việc thu thập các chứng cứ chứng minh tội phạm, chưa chú trọng thu thập chứng cứ để giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự... HOÀNG YẾN |