Tham nhũng trốn trong tài sản bất minh chớ đâu!

Khi cơ quan chức trách các địa phương trả lời không có tham nhũng, nhiều đại biểu và nhân dân tự hỏi: Vậy thì tham nhũng trốn ở nơi nào?!

Thực tiễn cuộc sống có một số vấn đề chúng ta cần suy ngẫm. Thứ nhất, phải chăng nạn tham nhũng đã len lỏi vào tất cả ngõ ngách cuộc sống, nó đã trở thành thói quen và được “một bộ phận không nhỏ nhân dân” chấp nhận như chấp nhận sống chung với lũ. Ví dụ như khi ra đường gặp CSGT thổi còi, người ta thường nghĩ ngay đến hành động rút tiền ra đưa để được bỏ qua lỗi vi phạm cho yên chuyện và tiết kiệm thời gian. Một người như thế, hai người như thế và nhiều người nhận thấy làm như thế hiệu quả cho bản thân hơn là việc phải đứng chờ lập biên bản vi phạm, đi nhận quyết định xử phạt rồi phải đến kho bạc nộp tiền phạt… Dần dần hành vi mãi lộ CSGT đã trở thành thói quen của người vi phạm và thói quen đó tác động đến hành động của CSGT. Nếu họ không đấu tranh được với bản thân thì hành vi nhận mãi lộ ấy lâu dần trở thành thói quen, thậm chí còn “phát triển” đến mức độ cao hơn là nạn bảo kê cho “xe vua”, nạn “nhận tiền tháng”…

Cũng có những giai đoạn các cơ quan có thẩm quyền liên tục đưa ra các biện pháp mạnh, bắt quả tang được một vài vụ, xử lý kỷ luật được một vài anh, rồi sau đó đâu lại hoàn đó. Thậm chí hành vi nhận hối lộ ngày một tinh vi hơn, kéo theo nạn tham nhũng ngày một phức tạp hơn. Trong tất cả giải pháp chống tham nhũng của các vị có thẩm quyền đưa ra để trả lời trước công luận, có một giải pháp được nhiều người quan tâm, đó là việc giáo dục mọi thành phần trong xã hội đồng lòng chống tham nhũng, tạo ra sức đề kháng của cộng đồng. Nhưng việc tổ chức thực hiện giải pháp trên chưa mạnh nên chưa đi vào cộng đồng xã hội, chưa giải quyết được gốc phát sinh tham nhũng.

Thứ hai, đội ngũ công chức là những người có quyền nhân danh Nhà nước để ban hành các quyết định hoặc thực hiện các hành vi quản lý xã hội. Tuy nhiên, không hiếm trường hợp năng lực, phẩm chất của họ không đáp ứng nhưng do họ có “thế” và “lực” nên họ được cất nhắc, bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng, tạo cơ hội cho họ sử dụng quyền lực để trục lợi, đi ngược với lợi ích của nhân dân. Vấn đề này những năm qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều cuộc chỉnh đốn quan trọng nhưng chưa khắc phục được triệt để. Do vậy, chúng ta phải kiểm soát chặt chẽ đội ngũ công chức của Nhà nước, từ khâu thi tuyển đầu vào, đào tạo bồi dưỡng. Đặc biệt, những cán bộ chủ chốt phải được trải qua thử thách thực sự trong thực tiễn và phải được sự tín nhiệm thực sự của nhân dân trong phạm vi quản lý của họ thì lời nói và hành động của họ mới hiệu triệu được lòng dân. Điều đó mới có thể làm xoay chuyển được tình hình.

Thứ ba, công tác quản lý nhà nước về chống tham nhũng cần khắc phục ngay hình thức trong việc kê khai tài sản của cán bộ chủ chốt. Tình trạng lợi dụng vị thế của người thân giữ quyền lực trong bộ máy nhà nước để trục lợi khá phổ biến nhưng vẫn không có thuốc đặc trị. Các quy định của pháp luật về kê khai tài sản hiện nay không quy định việc kê khai tài sản người thân của người có chức vụ quan trọng. Điều này đã tạo ra một vùng trống khổng lồ cho người thân (vợ, con và cháu) của người có quyền lực, từ đó họ thỏa sức nhận hoặc tạo lập tài sản từ người có quyền lực (cha hoặc người thân của họ) mang lại. Điều đó kéo theo tình trạng không thể kiểm soát được việc kê khai hoặc xử lý được tài sản của người có quyền lực một cách thực sự.

Ở các nước, khi phát hiện quan chức hoặc người thân của họ có tài sản có biểu hiện bất minh, cơ quan chống tham nhũng có quyền yêu cầu họ chứng minh nguồn gốc của khối tài sản ấy. Nếu không chứng minh được tài sản ấy sẽ bị tịch thu và tùy trường hợp, quan chức ấy sẽ bị xử lý tương xứng. Mà dù không bị xử tù thì sự nghiệp chính trị của người đó coi như đặt dấu chấm hết. Nếu làm được điều này, tôi tin công cuộc chống tham nhũng sẽ có hiệu quả. Khi ấy nếu có địa phương nào nói không (còn) có tham nhũng, tôi nghĩ dân sẽ tin ngay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới