Quyết định của chính phủ Ấn Độ thu hồi tình trạng đặc biệt của lãnh thổ tranh chấp Jammu và Kashmir hồi đầu tháng này đã gây ra những cơn chấn động trên khắp thế giới, kênh ABC cho hay.
Động thái trên đã vô hiệu một điều khoản hiến pháp tạm thời được gọi là Điều 370, mang lại cho vùng Kashmir hiện do Ấn Độ quản lý một mức độ tự chủ và quyền sở hữu cha truyền con nối.
Đồng thời, quyết định trên đã vấp phải sự lên án từ các nước láng giềng Pakistan và Trung Quốc, nước đã đưa vấn đề này lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, yêu cầu các bên họp kín lần đầu tiên kể từ cuộc chiến tranh Ấn Độ - Pakistan năm 1971.
Đáp lại, New Delhi đã nhanh chóng chỉ trích sự can thiệp của Bắc Kinh vào "các vấn đề nội bộ".
Nguyên nhân tranh chấp vùng Kashmir
Mầm mống của cuộc xung đột Kashmir được nảy sinh vào năm 1947, khi Ấn Độ bị tách thành hai quốc gia độc lập - Ấn Độ và Pakistan - sau khi giành được độc lập từ Anh.
Giống như 500 bang khác, các bang có quyền lựa chọn Ấn Độ hay Pakistan theo Hồi giáo, trong đó vùng đất Jammu và Kashmir tranh chấp theo Ấn Độ giáo muốn có được sự độc lập nhất định khỏi cả Ấn Độ và Pakistan.
Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc đều là những bộ phận kiểm soát của khu vực Jammu và Kashmir. Ảnh: ABC
Sau đó, vào tháng 10-1947, các bộ lạc từ tỉnh biên giới Tây Bắc của Pakistan đã vượt biên sang Kashmir với những người Pashtun có vũ trang cướp bóc, giết hại và hãm hiếp tại vùng đất Kashmir.
Hoảng sợ trước những điều trên, các bang sáp nhập vào Ấn Độ để đổi lấy sự bảo vệ của quân đội.
Ấn Độ đã đệ trình lên Liên Hiệp Quốc yêu cầu Pakistan trước tiên phải loại bỏ quân đội. Ấn Độ chỉ để lại những đội quân cần thiết để duy trì luật pháp và trật tự, tạo điều kiện cho một khu tự trị.
Tuy nhiên, Pakistan từ chối rút quân. Ấn Độ cũng từ chối điều động quân.
Năm 1948, hai bên tham chiến đã đồng ý ngừng bắn và chia Kashmir thành "Jammu và Kashmir" do Ấn Độ quản lý và "Azad [Độc lập] Kashmir" do Pakistan quản lý.
Ấn Độ đã trao tư cách bán tự trị cho Jammu và Kashmir theo một điều khoản trong Hiến pháp được gọi là Điều 370, cho phép nhà nước độc lập về mọi vấn đề ngoại trừ quốc phòng, đối ngoại và liên lạc.
Tại sao việc bãi bỏ Điều 370 lại gây tranh cãi?
Việc bãi bỏ Điều 370 đã cho phép tất cả người Ấn Độ - không chỉ những người được xác định là thường trú tại Jammu và Kashmir - mua tài sản, xin việc làm của chính phủ và học bổng trong khu vực này.
Nó cũng đã trao quyền tài sản bình đẳng cho những người phụ nữ trước đây đã mất đặc quyền nếu họ kết hôn với ai đó từ bên ngoài Jammu và Kashmir.
Những người ly khai ở Kashmir lo sợ sự thay đổi sẽ dẫn đến một sự sáp nhập lớn hơn với phần còn lại của Ấn Độ. Tổ chức Ân xá Quốc tế ước tính lên tới 200.000 người thiểu số theo đạo Ấn Độ giáo chạy trốn khỏi Kashmir.
Đám đông người tụ tập ủng hộ phe ly khai Kashmir trong cuộc biểu tình chống Ấn Độ ở Quetta, Pakistan. Ảnh: AFP
Ấn Độ cáo buộc Pakistan về chủ nghĩa khủng bố xuyên biên giới nhằm thúc đẩy chủ nghĩa ly khai ở Kashmir nhưng Pakistan nói rằng họ chỉ hỗ trợ cho những người Hồi giáo Kashmir muốn độc lập khỏi Ấn Độ.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Pakistan thường bày tỏ tham vọng đòi toàn bộ Kashmir, nên cảnh báo hành động của Ấn Độ sẽ dẫn đến sự gia tăng khủng bố và thậm chí là chiến tranh giữa hai nước láng giềng có vũ khí hạt nhân.
Cộng đồng quốc tế phần lớn giữ khoảng cách với cuộc xung đột mà chỉ đề nghị hai nước giải quyết tranh chấp hòa bình - Trung Quốc là ngoại lệ duy nhất.
Lợi ích của Trung Quốc ở Kashmir
Trung Quốc kiểm soát một khu vực rộng 38.000 km2 được gọi là Aksai Chin, mà Ấn Độ tuyên bố là một phần của Ladakh.
Aksai Chin là một sa mạc hoang vắng bị kẹp giữa các khu vực xa xôi về phía tây của Tân Cương và Tây Tạng.
Trung Quốc kiểm soát Aksai Chin, mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền. Ảnh: ABC
Theo truyền thông địa phương Indian Express, Trung Quốc bắt đầu đưa ra yêu sách đối với khu vực này, bắt đầu bằng việc xây dựng một đường lát sỏi vào những năm 1950, hiện là đường cao tốc 2.000 km.
Trung Quốc đã chiếm giữ Aksai Chin khi đánh bại Ấn Độ trong cuộc chiến năm 1962 nhưng Aksai Chin không phải là phần duy nhất của Jammu và Kashmir nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.
Samanvya Hooda, trợ lý nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc của New Delhi, nói với đài ABC rằng Trung Quốc cũng kiểm soát vùng Shaksgam ở Kashmir do Pakistan quản lý, được Pakistan trao cho Bắc Kinh theo thỏa thuận biên giới vào thập niên 1960.
Trung Quốc quan tâm đến khu vực này vì khoản đầu tư vào Pakistan, trong đó quan trọng nhất là hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan, đi qua vùng Kashmir do Pakistan quản lý.
Pakistan là một trong nhiều đối tác quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Ông Hooda cho biết dự án sẽ giúp Trung Quốc kết nối với cảng Gwadar ở biển Ả Rập, điểm quan trọng đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường nghìn tỉ USD đầy tham vọng của Trung Quốc.
Việc bãi bỏ Điều 370 ảnh hưởng đến Trung Quốc như thế nào?
Ngoài việc bãi bỏ Điều 370, chính phủ Ấn Độ cũng hạ cấp Jammu và Kashmir từ một bang thành "lãnh thổ liên minh", điều đó có nghĩa là giờ đây nó sẽ được quản lý bởi New Delhi chứ không phải là chính quyền liên bang.
Vùng Ladakh theo Phật giáo sau đó đã được tách ra khỏi Jammu và Kashmir và cũng được trao vị thế của một lãnh thổ liên minh, phần lớn là thuận theo yêu cầu của cư dân.
Nhưng động thái này đã khiến Trung Quốc quan ngại trước những yêu sách của mình đối với các bộ phận của Ladakh.
TS Pradeep Taneja nói với đài ABC rằng Trung Quốc đã gọi quyết định của chính phủ Ấn Độ tách Ladakh khỏi Jammu và Kashmir là "không thể chấp nhận được".
Nhưng TS Taneja cũng cho biết trong thực tế, không có gì thay đổi nhiều giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
"Trung Quốc tiếp tục kiểm soát Aksai Chin và Ấn Độ tiếp tục yêu sách Aksai Chin - cho dù đó là một phần của Jammu và Kashmir hay [một] lãnh thổ liên minh, tôi không nghĩ nó tạo ra bất kỳ sự khác biệt thực sự nào" - ông Taneja nói.
"Chính phủ Pakistan đã cố gắng kéo Trung Quốc vào điều này [nhưng] cá nhân tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ miễn cưỡng vượt ra ngoài những tuyên bố mà họ đã ban hành" - theo ông Taneja.
Ông Hooda cho biết ông tin rằng chính phủ Ấn Độ sẽ chỉ sử dụng Aksai Chin như một con bài thương lượng trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc về các tranh chấp lãnh thổ khác, quan trọng là vùng Arunachal Pradesh ở phía đông bắc Ấn Độ, mà Bắc Kinh tuyên bố là của họ.
Ông nói Ấn Độ có thể từ bỏ yêu sách của mình với Aksai Chin nếu Trung Quốc công nhận biên giới chính thức của Ấn Độ với Trung Quốc hiện nay.
Nhưng theo tổ chức Rajeswari Pillai Rajagopalan, sự can thiệp của Trung Quốc vào những gì Ấn Độ coi là vấn đề nội bộ có thể ảnh hưởng đến tranh chấp biên giới của Bắc Kinh với Ấn Độ.
"Hành động của Trung Quốc lần này, đưa Ấn Độ ra trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về vấn đề Kashmir, đã mang lại rất nhiều cảm xúc tiêu cực tô màu cho mối quan hệ giữa hai bên. Vì vậy, nó đã trở nên phức tạp hơn rất nhiều".