Tạp chí India Today dẫn lời một quan chức TP Srinagar ngày 12-8 cho biết sau phần cầu nguyện của lễ hội Hồi giáo Eid al-Adha, các lệnh giới nghiêm sẽ được tái áp dụng ở nhiều nơi trong thung lũng Kashmir thuộc bang Jammu và Kashmir. Trước đó một ngày, hàng trăm người đã xuống đường biểu tình ở TP chống lại quyết định của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhằm hủy bỏ điều 370 trong hiến pháp nước này về quy chế tự trị của vùng Kashmir.
Về phía Pakistan, Ngoại trưởng Shah Mahmood Qureshi tuyên bố Pakistan sẽ phản đối hành động đơn phương của Ấn Độ đối với vùng Kashmir lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, hãng tin AP cho biết. Ông Qureshi cũng nói Pakistan đang cân nhắc đưa cáo buộc Ấn Độ “diệt chủng” người Kashmir lên Ủy ban Nhân quyền LHQ.
Một Kashmir bị cô lập
Trước lễ hội Eid al-Adha (ngày 12-8), các hạn chế dù đã tạm thời được nới lỏng trong hai ngày 9 và 10-8 nhưng đã được phục hồi chiều 11-8, hãng tin Reuters cho hay. Sau khi cho phép một số tiệm bánh, hiệu thuốc và cửa hàng trái cây mở cửa phục vụ lễ hội, cảnh sát lái xe quanh khu vực để yêu cầu mọi người đóng cửa và trở về nhà.
Đêm xuống, hầu hết đường phố đều trở nên vắng lặng khi hàng chục ngàn binh sĩ từ quân đội Ấn Độ, lực lượng cảnh sát dự trữ trung tâm và cảnh sát Kashmir canh gác ở mọi nơi trong thung lũng. Thậm chí có cả lính canh ở cổng nhà của mỗi gia đình tại những ngôi làng xa xôi.
Người dân ở Kashmir nói đây là tình trạng giới nghiêm tồi tệ nhất mà họ từng trải qua. Cửa hàng và trường học đóng cửa, các máy ATM cạn tiền. Internet, điện thoại, sóng truyền hình đều bị cắt đứt. Công viên vắng tanh. Thức ăn cạn kiệt. Một số cho biết họ đã bị lực lượng an ninh đánh đập chỉ vì cố gắng mua nhu yếu phẩm như sữa. Ở nhiều khu vực, cư dân còn phải xin phép để rời khỏi nhà ngay cả trong trường hợp y tế khẩn cấp.
Người dân Pakistan hô khẩu hiệu ủng hộ Kashmir sau quyết định của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhằm hủy bỏ điều 370 về quy chế tự trị của vùng Kashmir. Ảnh: AFP
Quyết định vi hiến?
Theo tờ The New York Times, chính phủ Ấn Độ đã không hỏi ý kiến bất kỳ nhà lãnh đạo Kashmir nào trước khi quyết định hủy bỏ điều 370, tước đi quyền tự trị của Kashmir. Một số chuyên gia pháp lý Ấn Độ còn cho rằng điều này là vi hiến vì các điều khoản tự chủ ban đầu cho biết bất kỳ thay đổi nào đối với Kashmir phải được thực hiện với sự tham khảo ý kiến của đại diện Kashmir.
Trả lời phỏng vấn hãng tin France 24, ông Michael Kugelman, chuyên gia hàng đầu về Afghanistan, Ấn Độ và Pakistan, lo ngại Ấn Độ có thể đánh mất vị thế của mình trên quốc tế khi từng bước thúc đẩy các chính sách xem người Hindu là trung tâm.
“New Delhi cần cẩn thận với các chiến thuật dập tắt tình trạng bất ổn ở thung lũng trong bối cảnh nhiều cuộc biểu tình ở một số nước phương Tây có thể diễn ra nhằm phản đối quyết định của chính phủ Ấn Độ. Đến lúc đó, Pakistan sẽ có cơ hội nâng cao vị thế của mình hơn” - ông Kugelman đánh giá.
Các nhóm ủng hộ Kashmir và đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) đều dự kiến tổ chức những cuộc biểu tình lớn ở thủ đô London của Anh vào ngày Quốc khánh Ấn Độ (15-8). Trong tuần qua, chính quyền Ấn Độ đã bắt giữ hàng trăm nhà hoạt động Kashmir, trong đó có một số nhà lập pháp.
Ngày 8-8, Thủ tướng Modi trấn an người dân ở bang Jammu và Kashmir rằng tình hình bình thường sẽ dần trở lại bang này. Trong một bài phát biểu trên truyền hình, điều mà phần lớn người dân Kashmir không thể xem vì dịch vụ truyền hình bị cắt đứt, ông Modi nhấn mạnh rằng việc biến Kashmir thành lãnh thổ liên bang sẽ loại bỏ tham nhũng, thu hút đầu tư, giúp Kashmir yên ổn và thịnh vượng hơn.
Nỗi sợ hãi về bất ổn và cảm giác không biết điều gì sắp xảy ra - đây là điều thực sự khiến mọi người căng thẳng, lo lắng và hoảng loạn. Nhà tâm lý học về hòa bình UFRA MIR |
Pakistan nâng cao vị thế quốc tế?
Quyết định của New Delhi không chỉ đối mặt với sự phản đối của khu vực mà còn khiến căng thẳng leo thang với Pakistan và bị Trung Quốc lên án. Pakistan đang trả đũa bằng cách siết chặt quan hệ ngoại giao và trì hoãn giao thương với Ấn Độ. Tuy nhiên, với năng lực kinh tế và quân sự yếu hơn, các lựa chọn của Pakistan sẽ bị hạn chế.
“Pakistan cố gắng để xây dựng hình ảnh quốc tế và gặp khó khăn để tiếng nói của mình được tôn trọng. Họ đã cố gắng tại Đại hội đồng LHQ nhưng vẫn thiếu uy tín trên thế giới” - ông Kugelman phát biểu.
Một phần nguyên nhân dẫn đến sự thiếu uy tín là do vấn đề khủng bố và sự hỗ trợ của Pakistan đối với các nhóm phiến quân Hồi giáo, đặc biệt sau sự kiện 11-9-2001 ở Mỹ và năm 2008 ở TP Mumbai của Ấn Độ. Bên cạnh đó, Ấn Độ nổi tiếng là nền dân chủ lớn nhất thế giới, cùng với sự tăng trưởng kinh tế và tiềm năng thị trường khiến các cường quốc thế giới khác ngần ngại đụng chạm New Delhi, ông Kugelman giải thích.
Điểm nóng Ấn - Trung - Pakistan Trong ba thập niên qua, thung lũng Kashmir vẫn là khu vực tranh chấp giữa Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc. Nhiều nhóm phiến quân ở bang Jammu và Kashmir vẫn kiên trì chống lại sự cầm quyền của chính phủ Ấn Độ, phần lớn người dân Kashmir ở bang này muốn hoặc được độc lập hoặc được sáp nhập với Pakistan. Điều 370 hiến pháp Ấn Độ trao cho Jammu and Kashmir quyền tự trị. Theo đó, bang này có hiến pháp riêng, lá cờ riêng và độc lập trên mọi vấn đề trừ quan hệ ngoại giao, quốc phòng và thông tin liên lạc. Sau đó, điều 35A được bổ sung thêm vào điều 370 là quy định các đặc quyền dành cho cư dân thường trú tại bang này, trong đó gồm cả công ăn việc làm trong cơ quan chính phủ và đặc quyền sở hữu bất động sản tại bang. Các lợi ích này sẽ bị mất đi cùng với sự hủy bỏ điều 370. |