Công văn có NẾU, có SẼ, có THÌ và có nhiều mục, nhiều vế để làm khó VPF, làm khó VFF, đồng thời giải quyết được chuyện không phải chi thêm tiền phát sinh do hoãn giải. Ngược lại, có khi còn lãi đậm nếu hủy giải hoặc đá tiếp mà có tiền hỗ trợ từ VPF hay VFF.
Cùng với Thanh Hóa, nhiều CLB (đặc biệt là những đội rơi vào nhóm dưới bị đe dọa đi chung kết ngược) đã có ý định hủy giải, không xuống hạng, chờ năm sau đá giải mới. Thực tế không hẳn là các đội này sợ xuống hạng, mà là sợ phải nuôi quân trong thời gian chờ đá lại mà không biết là khi nào đá. Bên cạnh đó, kỳ hạn thanh toán lần hai tiền lót tay cho các cầu thủ đã gần kề. Vì thế, nếu dừng thời điểm này, lãnh đạo các đội sẽ có cớ không đá thì không phải chi khoản tiền lớn có khi lên đến cả chục tỉ đồng.
Trong khi đó, VPF, đơn vị điều hành giải, cũng có cách tính riêng của mình. Bóng lăn giữa chừng rồi hủy thì sẽ mất rất nhiều, còn cố lăn về đích thì mới có đủ các khoản tài trợ kèm theo những điều khoản phụ.
Khác biệt từ bóng đá chuyên nghiệp của ta so với các nước là những nhà làm bóng đá ĐƯỢC rất nhiều từ bóng đá, trong khi các CLB thì chưa CLB nào tự nuôi sống bằng tiền làm ra từ bóng đá. Đa phần một CLB sống bằng một phần tiền của địa phương và một phần của doanh nghiệp. Hoặc toàn bộ từ doanh nghiệp có được những dự án, những ưu ái từ địa phương rồi có nghĩa vụ “nuôi” đội bóng.
Phía đơn vị điều hành, VPF đã bán được sản phẩm từ V-League nhưng phần bánh chia cho các CLB rất khiêm tốn, thua rất rất xa so với các nền bóng đá chuyên nghiệp có giá trị bản quyền cực lớn chia cho các CLB ứng với thứ hạng qua từng mùa giải.
Gọi là bóng đá chuyên nghiệp nhưng nhiều CLB Việt Nam vẫn sống trong cơ chế “xin - cho” và tiêu tiền từ ông chủ hay tập đoàn đỡ đầu.
VPF mang tiếng là công ty có cổ phần từ VFF và từ các CLB nhưng tiếng nói của các CLB đa phần lại là tiếng nói vì quyền lợi của lãnh đạo các đội bóng. Thế nên mới có chuyện không ít ông ủy viên của VPF đại diện cho đội mình đi vận động các đội theo phe hủy giải.
18 năm trước khi làm giám đốc kỹ thuật CLB HA Gia Lai, ông Nguyễn Văn Vinh từng nói bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam thực chất là nghiệp dư lĩnh lương cao.
Giờ thì điều đấy vẫn còn nguyên giá trị.