Thanh Hóa: Chủ động phát hiện, xử lý nghiêm để ngăn tham nhũng

Thanh Hóa: Chủ động phát hiện, xử lý nghiêm để ngăn tham nhũng

(PLO)- Thanh Hóa không nể nang, bao che cho bất kỳ ai nếu đã vi phạm; đấu tranh, xử lý tham nhũng được triển khai quyết liệt từ đầu nhiệm kỳ theo đúng chỉ đạo của Trung ương.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng vừa ký ban hành báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với nhiều kết quả nổi bật trong các lĩnh vực, đặc biệt là công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh.

Kiên trì đấu tranh, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực tỉnh Thanh Hóa (Ban Chỉ đạo) Nguyễn Ngọc Tiến cho hay Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản; quản lý tài chính, tài sản công, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đấu giá...

Công tác xử lý tham nhũng cần triển khai đồng bộ, bài bản, đây là giải pháp quan trọng, cấp bách hàng đầu để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, với phương châm “Có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó, không phân biệt người có hành vi tham nhũng, tiêu cực là ai, đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định”.

Chủ động phát hiện, xử lý nghiêm để ngăn tham nhũng.JPG
Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực tỉnh Thanh Hóa ông Nguyễn Ngọc Tiến trao đổi với Báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Xử lý nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với xử lý hành chính, đoàn thể và xử lý hình sự đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thanh Hóa đã khởi tố, điều tra 166 vụ liên quan 385 bị can về tội tham nhũng, kinh tế trong đó có 58 vụ, 142 bị can về tội tham nhũng. Thanh Hóa đã đưa ra xét xử 148 vụ, với 338 bị cáo trong đó có 29 vụ và 78 bị cáo về tội tham nhũng.

Nửa nhiệm kỳ qua, công tác phối hợp giữa cơ quan thanh tra, kiểm tra, nhất là giữa các cơ quan tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc được thực hiện chặt chẽ, thận trọng, đảm bảo theo đúng quy định.

“Đặc biệt, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực tỉnh đã lựa chọn 17 vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đưa vào diện chỉ đạo, xử lý; qua đó tạo bước chuyển rõ rệt trong công tác xử lý tham nhũng” - ông Tiến nhấn mạnh.

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu xảy ra tham nhũng

Theo ông Tiến, xử lý tham nhũng, xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu vi phạm và để xảy ra tham nhũng ở cơ quan, đơn vị, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách trên địa bàn tỉnh được thực hiện nghiêm nhưng thận trọng, không để xảy ra oan sai nhưng không bỏ lọt tội phạm.

“Thanh Hóa không e dè, nể nang, bao che cho bất kỳ ai nếu đã vi phạm pháp luật. Đấu tranh phát hiện, xử lý tham nhũng được Thanh Hóa làm đồng bộ, quyết tâm ngay từ đầu nhiệm kỳ theo đúng quan điểm chỉ đạo của Trung ương và của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” - ông Tiến thông tin.

Theo ông Tiến, tội phạm tham nhũng ngày càng tinh vi hơn những lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, đầu tư, xây dựng, xảy ra sự móc ngoặc giữa cán bộ có chức quyền với doanh nghiệp.

Tham nhũng, tiêu cực thường liên quan cán bộ, đảng viên, người có chức vụ, quyền hạn nên việc đấu tranh với tội phạm này rất khó khăn và đụng chạm. Thực tế cho thấy tham nhũng có thể xảy ra ở bất kỳ lĩnh vực nào nếu ở đó “có điều kiện thuận lợi” như buông lỏng quản lý, còn “kẽ hở”, cán bộ suy thoái....

“Qua các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý thời gian qua, tham nhũng có nhiều dạng khác nhau, câu kết giữa cán bộ với doanh nghiệp, thực hiện “theo nhóm”, có liên kết với nhau.... vì với cơ chế hiện nay việc thực hiện hành vi đơn lẻ thì khó” - ông Tiến chia sẻ.

Để tham nhũng “không còn đất sống”

Nói về các giải pháp ngăn tội phạm tham nhũng, ông Tiến cho rằng ngoài việc phải xây dựng hệ thống thể chế để "bịt kín" các lỗ hổng; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên liêm chính, tận tụy phục vụ nhân dân, tất cả vì lợi ích chung và nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng phải làm thường xuyên, liên tục thì công tác đấu tranh phát hiện, xử lý tham nhũng cũng không ngừng, không nghỉ.

“Quan điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, của Bí thư Tỉnh ủy là nhất quán, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa và đấu tranh phát hiện, xử lý tham nhũng" - ông Tiến nói.

Thanh Hóa chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng theo phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".

"Chúng tôi cũng thấy rằng công tác phòng chống tham nhũng trong những năm qua chỉ là kết quả bước đầu và còn một số hạn chế như việc tự phát hiện, xử lý tham nhũng trong nội bộ còn ít, mặc dù hàng năm chúng tôi thực hiện nhiều cuộc tự thanh tra, kiểm tra, tự kiểm điểm, phê bình...

Thanh Hóa Chủ động phát hiện, xử lý nghiêm để ngăn tham nhũng -1.JPG
Ông Nguyễn Ngọc Tiến nói về các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tiêu cực tại cuộc họp Ban thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Tôi cũng nêu quan điểm là ở một địa phương, hay cơ quan, đơn vị nào khi phát hiện tham nhũng bằng “kênh khác” mà không phải từ nội bộ mà nói là có bao che, nể nang thì cũng không có cơ sở gì cả. Nhưng để xảy ra tham nhũng là người đứng đầu ở cơ quan, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm” - ông Tiến nêu quan điểm xử lý nghiêm đối với tội phạm tham nhũng.

Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng là kiểm soát hiệu quả tài sản của cán bộ, Đảng viên

Chia sẻ với PV về các giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng, ông Tiến cho rằng kiểm soát hiệu quả tài sản của cán bộ, đảng viên và thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng là bước ngăn chặn tham nhũng hiệu quả. Thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng kinh tế hiện cần thực hiện thêm nhiều giải pháp ở nhiều địa phương chứ không riêng gì tại Thanh Hóa.

Tôi cho rằng giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng là trong quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán nếu có dấu hiệu tội phạm thì cần có biện pháp ngăn chặn kịp thời để không cho đối tượng che giấu, tẩu tán tài sản.

Ở bước này mà không làm tốt mà để đến giai đoạn điều tra, truy tố, nhất là ở giai đoạn thi hành án thì việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng thì càng khó khăn hơn.

Một trong những biện pháp vừa phòng ngừa tham nhũng vừa hỗ trợ cho việc thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án tham nhũng phải thực hiện có hiệu quả, thực chất việc kiểm soát tài sản, thu nhập của xã hội, nhất là cán bộ, đảng viên, người có chức vụ, quyền hạn. Hiện công tác này còn nhiều hạn chế, có mặt còn hình thức.

“Tới đây, Ban Chỉ đạo sẽ đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác này để giúp cho công tác phòng chống, tham nhũng tiêu cực trên địa bàn đạt hiệu quả cao hơn nữa” - ông Tiến khẳng định.

Đọc thêm