Thanh Hoá và Quyết định 1726

Tại kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khoá XIII, có lẽ nội dung chất vấn Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp về việc 312 văn bản bị “thổi còi” là vấn đề nóng nhất mà các cử tri đều quan tâm.  Không những thế, phần chất vấn này còn được cử tri cả nước đánh giá cao. Cục kiểm tra văn bản – Bộ trưởng Bộ Tư Pháp đã chỉ ra các lỗi của 312 văn bản một cách rõ ràng và định lượng được như sai thẩm quyền, sai về thể thức văn bản, sai về nội dung, căn cứ pháp lý…

Trên thực tế các văn bản pháp luật không rõ ràng, đa nghĩa, thậm chí bị đánh tráo khái niệm dẫn đến việc áp dụng pháp luật một cách tuỳ tiện, gây nhũng nhiễu, ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của người dân thì vẫn chưa thể giải quyết ngay được. Vậy mà ngay trong khi Kỳ họp thứ 7 chưa kết thúc, UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành một văn bản quy phạm pháp luật có thể coi là “sản phẩm” điển hình của cách làm luật hiện nay.

Ngày 4/6/2014, UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Quyết định 1726/QĐ-UBND đi kèm Quy chế quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh. Quyết định này đã có hiệu lực từ ngày 16/6/2014. Sẽ không có gì để bàn nếu như Quyết định 1762 không có các điều khoản mập mờ, chồng chéo được quy định tại iểm 3, Điều 6 như sau:

  “Cơ quan đại diện hoặc phóng viên thường trú có thể bị yêu cầu thay đổi hoặc dừng hoạt động khi vi phạm một trong các nội dung sau đây:

- Trưởng cơ quan đại diện hoặc phóng viên thường trú bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên;

- Trong 01 năm, có từ 03 nội dung thông tin trở lên nêu sai sự thật, đã được cơ quan có thẩm quyền xác minh, kết luận.

- Không thực hiện đúng các yêu cầu về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm được quy định đối với cơ quan đại diện và phóng viên thường trú.

Chúng ta cùng xem xét quy định này.

Thứ nhất, việc quản lý hành chính và quản lý nghiệp vụ là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, liên quan đến hoạt động báo chí đã có luật chuyên nghành điều chỉnh. Việc thu hồi thẻ nhà báo là  thuộc thẩm quyền của Bộ TTTT, thuộc lĩnh vực quản lý chuyên môn nghiệp vụ. Đây là cách đánh tráo khái niệm để lạm quyền trong việc quản lý hoạt động báo chí của UBND tỉnh Thanh Hoá.

Thứ hai, trong một VBQPPL, không có hình thức chế tài lưỡng tính như “có thể bị yêu cầu thay đổi hoặc dừng hoạt động”. Với quy định chế tài theo nội dung này, đầu tiên sẽ tạo ra sự áp dụng pháp luật một cách tuỳ tiện. Với bản thân người có thẩm quyền và am hiểu pháp luật cũng sẽ thấy rất khó khăn khi ra quyết định lựa chọn trường hợp nào thì thay đổi? Trường hợp nào thì dừng hoạt động? Họ có được ra quyết định trực tiếp không hay phải yêu cầu? Và nếu yêu cầu thì yêu cầu cơ quan nào? Ai là người có thẩm quyền tiếp nhận yêu cầu này?

Vậy hậu quả pháp lý của việc bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trong quy chế này là gì ? Nhà báo có bị thu hồi thẻ hay không? Vấn đề cần phân biệt rõ thế nào là kỷ luật ở mức cảnh cáo trở lên và xử phạt hành chính ở mức cảnh cáo trở lên.

NẾU XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH Ở MỨC CẢNH CÁO TRỞ LÊN NHƯNG KHÔNG BỊ THU HỒI THẺ NHÀ BÁO THÌ NHÀ BÁO VẪN ĐƯỢC HOẠT ĐỘNG BÌNH THƯỜNG VỚI HAI CHỨC DANH TRƯỞNG VPĐD HAY PHÓNG VIÊN THƯỜNG TRÚ.

Tuy nhiên, trong Quyết định 1726, dùng khái niệm “kỷ luật” thì cần phải chỉ rõ cơ quan nào kỷ luật vì có ba loại kỷ luật: kỷ luật về mặt Đảng, kỷ luật theo quy định về quản lý Nhà nước về báo chí và kỷ luật theo nội quy lao động (hay nội quy của cơ quan báo chí đó).

- Kỷ luật về mặt Đảng, theo tôi, không có cơ quan nào có thẩm quyền hạn chế hoạt động báo chí với hai chức danh nêu trên. Một Đảng viên có thể bị kỷ luật Đảng từ nhiều nguyên nhân khác ngoài nguyên nhân trong quá trình tác nghiệp báo chí và họ chịu sự quản lý về mặt Đảng đối với chi bộ và cơ quan Đảng các cấp. Ví dụ: một đồng chí Phó Giám đốc Sở bị kỷ luật Đảng ở mức cảnh cáo nhưng vẫn đảm nhận chức vụ bình thường vì về mặt chính quyền đồng chí ấy không bị kỷ luật. Trong trường hợp vi phạm kỷ luật Đảng ở mức nghiêm trọng thì chuyển sang hình thức áp dụng NỘI QUY của cơ quan báo chí để kỷ luật và nếu có quyết định thu hồi thẻ nhà báo thì mặc nhiên không được làm Trưởng cơ quan đại diện hay phóng viên thường trú MÀ KHÔNG CẦN PHẢI CÓ SỰ CAN THIỆP NÀO CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG CẢ.

- Kỷ luật theo quy định về quản lý Nhà nước về báo chí: nếu bị kỷ luật ở mức cảnh cáo trở lên thì sẽ bị thu hồi thẻ nhà báo và mặc nhiên cơ quan chủ quản thay đổi chức danh Trưởng VPĐD hay Phóng viên thường trú mà không cần sự yêu cầu đề xuất của chính quyền địa phương.

- Kỷ luật theo nội quy của chính cơ quan báo chí đó như chậm nộp bài, định mức không đủ... hay vi phạm những quy định không thuộc phạm trù đạo đức báo chí hay nghiệp vụ báo chí mà bị kỷ luật cảnh cáo trở lên. Quyết định kỷ luật đó do chính cơ quan báo chí ban hành, không ảnh hưởng đến việc “THU THẺ NHÀ BÁO”. Vậy trong trường hợp này có thể áp dụng quy định này hay không?

Như vậy, áp dụng điều kiện “thu hồi thẻ nhà báo” để thành điều kiện “bị yêu cầu thay đổi hoặc dừng hoạt động” là không phù hợp quy định pháp luật. Như đã phân tích, trong thể thức văn bản pháp luật không có hình thức chế tài “bị yêu cầu thay đổi hoặc dừng hoạt động” mà chỉ có hình thức chế tài là “thu hồi thẻ nhà báo”.  KHI ĐÓ MẶC NHIÊN đã tự nó thay đổi hai chức danh báo chí trong quyết định 1726 đề cập đến.     

Nguyễn Thế Truyền (Luật Thiên Thanh)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm