Sáng nay, 11-8, Uỷ ban Thường vụ tiếp tục họp phiên thứ 14, với nội dung xem xét, thông qua hai dự thảo Nghị quyết về việc thành lập thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy (Tiền Giang); thành lập thị xã Chơn Thành và các phường thuộc thị xã Chơn Thành (Bình Phước).
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: HOÀNG HẢI |
Đề xuất từ phía Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay thị xã Chơn Thành thuộc tỉnh Bình Phước được thành lập trên cơ sở nguyên trạng hơn 390km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số hơn 121.000 người của huyện Chơn Thành hiện tại.
Bốn xã Thành Tâm, Minh Hưng, Minh Long, Minh Thành được nâng cấp thành phường thuộc thị xã Chơn thành. Còn thị trấn Chơn Thành được đổi tên thành phường Hưng Long.
Sau khi thành lập thị xã Chơn Thành và năm phường trực thuộc, tỉnh Bình Phước không thay đổi về diện tích tự nhiên (gần 6.000 km2), dân số (hơn một triệu người) và số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trực thuộc.
Như vậy, Bình Phước sẽ có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: thành phố Đồng Xoài, 3 thị xã (Bình Long, Phước Long, Chơn Thành) và 7 huyện; 111 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 86 xã, 20 phường và 5 thị trấn. Tỷ lệ đô thị hóa nâng lên trên 30% .
Cạnh đó, Chính phủ cũng đề xuất thành lập thị trấn Bình Phú thuộc huyện Cai Lậy trên cơ sở nguyên trạng hơn 19 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số hơn 18.500 người của xã Bình Phú.
Sau khi thành lập thị trấn Bình Phú, tỉnh Tiền Giang không thay đổi về diện tích tự nhiên (gần 2.560 km2), dân số (gần 1,8 triệu người) và số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trực thuộc.
Tiền Giang sẽ có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: TP Mỹ Tho, 2 thị xã (Cai Lậy, Gò Công) và 8 huyện; 172 đơn vị hành chính cấp xã gồm: 142 xã, 22 phường và 8 thị trấn. Tỷ lệ đô thị hóa đạt hơn 15%.
Sau khi cho ý kiến, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua hai dự thảo Nghị quyết nói trên, với 100% thành viên tán thành.