Bộ trưởng Tô Lâm: Bộ Công an và các cơ quan sẽ thống nhất về việc bỏ sổ hộ khẩu

(PLO)- Bộ Công an không có chủ trương thu hộ khẩu để làm khó người dân, mà chỉ thực hiện khi có sự điều chỉnh thông tin mới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 10-8, tại phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Tại đây, nhiều vấn đề nóng, ảnh hưởng trực tiếp tới người dân được các đại biểu (ĐB) đặt ra như thu hồi hộ khẩu giấy, hộ chiếu mẫu mới không được chấp nhận ở một số nước hay việc rao bán dữ liệu cá nhân...

Sẽ thống nhất cách xử lý

Một nội dung được nhiều ĐB quan tâm liên quan đến việc xóa bỏ hộ khẩu giấy từ ngày 1-1-2023. ĐB Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) phản ánh gần đây người dân rất quan tâm và lo lắng trước thông tin xóa bỏ hộ khẩu giấy, bởi sổ hộ khẩu có liên quan đến nhiều lĩnh vực. Bà đề nghị Bộ trưởng Tô Lâm cho biết giải pháp để giải quyết những vướng mắc, đặc biệt là với người dân không có điều kiện tiếp cận các phương tiện hiện đại.

Trả lời, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay theo quy định của Luật Cư trú năm 2020, ngày 31-12-2022 hộ khẩu giấy không còn tác dụng. Theo ông, vấn đề vướng nhất hiện nay là nhiều quy định khác đang buộc người dân sử dụng hộ khẩu giấy.

Bộ trưởng Tô Lâm (bìa trái) trả lời các câu hỏi mà đại biểu đặt ra tại phiên chất vấn. Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đắk Nông) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an tại phiên họp. Ảnh: Quochoi

Bộ trưởng Tô Lâm (bìa trái) trả lời các câu hỏi mà đại biểu đặt ra tại phiên chất vấn. Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đắk Nông) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an
tại phiên họp. Ảnh: Quochoi

“Chúng tôi sẽ cấp khẩn trương, đầy đủ CCCD để người dân có căn cứ giao dịch. Khi có CCCD, người dân không cần xác nhận của bất cứ ai, cơ sở nào vì đó là giấy tờ pháp lý duy nhất để đi giao dịch, làm các thủ tục” - ông Tô Lâm nói và cho hay với những việc phải có xác nhận về đăng ký hộ khẩu, Bộ Công an sẽ cùng các cơ quan liên quan thống nhất cách giải quyết.

“Từ nay đến thời điểm 31-12, việc duy nhất là phải thay đổi quy định để các cơ quan không buộc người dân phải trình sổ hộ khẩu” - ông Tô Lâm nhấn mạnh.

Tranh luận lại, ĐB Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đắk Nông) cho rằng việc bỏ hộ khẩu giấy thực hiện theo quy định của luật. Tuy nhiên, theo phản ánh của cử tri, khi đến cơ quan công an làm thủ tục thì người dân bị thu hộ khẩu giấy. Trong khi đó, công dân khi làm các thủ tục ở cơ quan nhà nước như nhập học cho con, đến cơ quan nhà nước nộp hồ sơ xin việc… vẫn được yêu cầu mang sổ hộ khẩu gốc để đối chiếu.

ĐB Giang cho rằng tới đây, khi bỏ hẳn hộ khẩu giấy mà tình trạng quản lý và kết nối liên thông như hiện nay sẽ “rất rối và gây khó khăn cho công dân khi hoàn thiện các thủ tục liên quan đến hộ khẩu”.

Trả lời, người đứng đầu ngành công an khẳng định “việc này là cá biệt”. “Nếu ĐB có địa chỉ cụ thể, chúng tôi sẽ kiểm tra và chấn chỉnh” - ông nói và nhấn mạnh đây không phải là chủ trương chung của bộ, vì hộ khẩu giấy còn giá trị đến ngày 31-12. Bộ Công an sẽ phối hợp với các bộ, ngành rà soát các văn bản pháp luật có liên quan đến hộ khẩu, sổ tạm trú để sửa đổi phù hợp.

Người đứng đầu ngành công an cũng lưu ý một giải pháp quan trọng là kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu chuyên ngành khác để khai thác thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh việc cấp CCCD gắn chip điện tử để tạo thuận lợi nhất cho người dân.

“Không ai được cản trở, bắt buộc người dân phải sử dụng hộ khẩu vào những việc khác, đây là bệnh giấy tờ...” - ông Tô Lâm nói.

Tranh luận lại, ĐB Nguyễn Trường Giang cho hay cử tri nhắn cho ông phản ánh việc thu sổ hộ khẩu thực hiện theo Thông tư 55/2021 của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 1-7-2021 chứ không phải ở một địa phương nào.

Trả lời, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định đây là vấn đề “hiểu không đúng Thông tư 55 của Bộ Công an”. Theo quy định, chỉ thu sổ hộ khẩu khi có sự điều chỉnh thông tin mới, chứ không phải thu tất cả sổ hộ khẩu. Công an cũng không cấp mới hộ khẩu khi người dân đến điều chỉnh thông tin... “Bộ Công an không có chủ trương thu hộ khẩu để làm khó cho nhân dân” - Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Không có hộ chiếu nào phải bỏ đi, gây lãng phí

Tại phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) nêu vấn đề một số quốc gia không chấp nhận hộ chiếu mẫu mới, vậy trách nhiệm thuộc về ai và sửa chữa như thế nào?

Trả lời, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định việc cấp hộ chiếu mới được thực hiện theo đúng Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019. “Tất cả chi tiết in trên hộ chiếu đều thực hiện đúng quy định của pháp luật. Hộ chiếu mới phù hợp với thông lệ quốc tế” - ông Tô Lâm nói và cho hay hiện nhiều nước trên thế giới đều sử dụng mẫu này và đều không có nơi sinh.

“Hộ chiếu chúng ta đưa ra được đa số các nước trên thế giới chấp nhận. Chỉ có ba nước không chấp nhận là Đức, Cộng hòa Czech và Tây Ban Nha nhưng gần đây Tây Ban Nha đã chấp nhận hộ chiếu của chúng ta” - Bộ trưởng nói thêm.

Ông nhận định vừa qua việc một số nước có phản ứng, gây khó khăn bởi cũng có những lý do rất thực tế. “Họ cũng muốn tìm hiểu xem nguồn gốc công dân đi vào nước họ ở địa phương cụ thể nào, vì không tra cứu được nên vậy. Chúng tôi cho rằng đây là các vấn đề kỹ thuật” - vẫn lời ông Tô Lâm.

Bộ Công an đã có giải pháp giải quyết việc này, trước mắt những cá nhân cần bổ sung nơi sinh, bộ đã bàn với các cơ quan sẽ bổ sung nơi sinh ở phần bị chú. Về lâu dài, nếu cần bổ sung nơi sinh, Bộ Công an sẽ đề xuất, báo cáo Chính phủ, thống nhất với các cơ quan liên quan, báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. “Bộ Công an chúng tôi chủ trì làm việc này nên chúng tôi xin nhận trách nhiệm và cũng có những giải pháp để khắc phục” - Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ.

Chất vấn lại, ĐB Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn Quảng Ngãi) hỏi vấn đề cấp hộ chiếu mới có thuận lợi, khó khăn hay lãng phí như thế nào đối với công dân và xã hội?

“Cơ bản là thuận lợi. Hộ chiếu mới đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, không có khó khăn gì cả” - Bộ trưởng Bộ Công an đáp và nói vừa qua có khó khăn do một số nước yêu cầu phải có nơi sinh và việc này đã có giải pháp. Những hộ chiếu cũ còn giá trị thì vẫn được sử dụng bình thường. Hộ chiếu cũ hết hạn sẽ được cấp đổi. Sắp tới, bộ sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ mới là hộ chiếu điện tử, hộ chiếu có gắn chip... “Không có hộ chiếu nào phải bỏ đi, gây lãng phí” - ông Tô Lâm nhấn mạnh.

Điều tra vụ 30 triệu dữ liệu cá nhân đang bị rao bán

Một nội dung khác cũng được nhiều ĐB chất vấn liên quan đến việc bảo vệ thông tin cá nhân. ĐB Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) đặt vấn đề hiện nay thông tin cá nhân được rao bán dễ dàng tại các hội nhóm trên mạng xã hội. Công an các địa phương đã triệt phá nhiều đường dây mua bán thông tin nhưng vẫn còn nhiều đối tượng đang hoạt động, chưa bị phát hiện, xử lý. Vậy giải pháp nào để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hiệu quả vấn đề này?

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy phát biểu tại phiên chất vấn. Ảnh: Quochoi

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy phát biểu tại phiên chất vấn. Ảnh: Quochoi

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng vấn đề lộ lọt dữ liệu cá nhân đang “rất đáng báo động”, không chỉ ở nước ta mà cả trên thế giới. Bộ Công an đã triển khai nhiều giải pháp như hoàn thiện hành lang pháp lý. Bộ Công an đã trình Chính phủ ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. “10 lần trình rồi, hiện đang vào giai đoạn chót. Chính phủ sẽ sớm ban hành nghị định này để có căn cứ pháp lý tiến hành các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân” - ông Tô Lâm nói.

Theo lộ trình, Bộ Công an dự kiến năm 2024 sẽ nghiên cứu, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Cùng với đó là tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhất là khi tham gia môi trường mạng.

Một giải pháp khác được đưa ra là xử lý nghiêm các trường hợp làm lộ lọt, rao bán dữ liệu cá nhân theo quy định. Trong đó điển hình là bộ đang điều tra đối tượng rao bán 30 triệu dữ liệu được cho là lấy từ nguồn Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, có một số cơ sở dữ liệu của các ngành khác như y tế cũng có nguy cơ bị lộ lọt nên sẽ được tập trung để xử lý.

Theo ông Tô Lâm, Bộ Công an xác định cơ sở dữ liệu cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tài nguyên của quốc gia, được bảo đảm an ninh, an toàn về mức độ 4. Quy trình thu thập, cập nhật, bổ sung thông tin… được thực hiện nghiêm ngặt. Ngành cũng thường xuyên thực hiện kỹ thuật chuyên biệt 24/24 giờ với hệ thống ngăn chặn việc tấn công xâm nhập lấy cắp dữ liệu.

Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho hay hằng ngày bộ phải đối phó với hàng ngàn cuộc tấn công vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhất là các cuộc tấn công từ nước ngoài. “Nếu không có hệ thống bảo đảm an toàn thì nguy cơ này rất lớn” - ông Tô Lâm nói.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bình Dương có thêm một thành phố

Bình Dương có thêm một thành phố

(PLO)- Với quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bình Dương chính thức có năm TP là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và TP Bến Cát.

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy