Sáng 10-8, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đăng đàn trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Ảnh: HOÀNG HẢI |
Một nội dung đáng chú ý, nhiều ĐB đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an về vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân. ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) chất vấn hiện nay các thông tin cá nhân được rao bán tại các hội nhóm trên mạng xã hội và không khó để truy cập vào các hội, nhóm này. Công an các địa phương đã triệt phá nhiều đường dây mua bán thông tin trên mạng xã hội nhưng vẫn còn nhiều đối tượng đang hoạt động chưa phát hiện, xử lý.
“Đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp mà Bộ sẽ triển khai trong thời gian tới để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hiệu quả, để người dân an tâm thông tin cá nhân của mình sẽ không bị trôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội”- ĐB Thủy hỏi.
Trả lời, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng vấn đề lộ lọt dữ liệu cá nhân đang “rất đáng báo động”, không chỉ ở nước ta mà trên thế giới cũng vậy.
Đề cập đến các giải pháp, theo ông Tô Lâm, Bộ Công an đã triển khai nhiều giải pháp. Thứ nhất là hoàn thiện hành lang pháp lý. Bộ Công an đã trình Chính phủ ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
“10 lần trình rồi, hiện đang vào giai đoạn chót. Chính phủ sẽ sớm ban hành nghị định này để có căn cứ pháp lý tiến hành các biện pháp để bảo vệ dữ liệu cá nhân”- ông Tô Lâm nói.
Lộ trình tiếp theo, Bộ Công an dự kiến năm 2024 sẽ nghiên cứu, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng lưu ý việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhất là khi tham gia vào môi trường mạng.
Giải pháp khác, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh việc xử lý nghiêm các trường hợp làm lộ lọt, giao bán dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật.
“Chúng tôi đang điều tra đối tượng rao bán 30 triệu dữ liệu được cho là lấy từ nguồn Bộ GD&ĐT”- Bộ trưởng Công an nói và cho biết một số cơ sở dữ liệu của các ngành khác như Y tế cũng có nguy cơ bị lộ lọt, sẽ được tập trung để xử lý.
Theo ông Tô Lâm, Bộ Công an xác định cơ sở dữ liệu cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tài nguyên của quốc gia, được bảo đảm an ninh an toàn về mức độ 4. Quy trình thu thập, cập nhật, bổ sung thông tin… được thực hiện nghiêm ngặt.
“Chúng tôi coi đây là mệnh lệnh trong lực lượng vũ trang để quản lý”- ông Tô Lâm nhấn mạnh.
Ngoài ra, ngành cũng thường xuyên thực hiện kỹ thuật chuyên biệt 24/24 với hệ thống ngăn chặn việc tấn công xâm nhập lấy cắp dữ liệu. Ông Tô Lâm cho hay hàng ngày Bộ phải đối phó hàng nghìn cuộc tấn công vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
“Nếu không hệ thống bảo đảm an toàn thì nguy cơ này rất lớn”- ông Tô Lâm nói và cho biết thêm nhiều cuộc tấn công xuất phát từ nước ngoài.