Sáng 7-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã biểu quyết thông qua việc thành lập TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Theo đó, thị xã Phúc Yên sẽ trở thành TP thuộc tỉnh Vĩnh Phúc với diện tích 120,3 km2, dân số 155.435 người và 10 đơn vị hành chính.
Như vậy, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ có chín đơn vị hành chính cấp huyện (hai TP và bảy huyện) và 137 đơn vị hành chính cấp xã (15 phường, 12 thị trấn và 110 xã).
Phiên họp 21 của UBTVQH sáng nay (7-2) đã thông qua nghị quyết thành lập TP Phúc Yên (Vĩnh Phúc).
Trước khi biểu quyết cho thị xã Phúc Yên lên TP, UBTVQH đã đồng ý thành lập hai phường mới Tiền Châu và Nam Viên tại thị xã Phúc Yên. Trong đó, phường Tiền Châu thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích 7,14 km2 và 12.689 người dân của xã Tiền Châu; phường Nam Viên thành lập trên cơ sở toàn bộ 5,88 km2 diện tích tự nhiên và 8.489 người của xã Nam Viên.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, việc thành lập mới này đã bảo đảm năm điều kiện theo quy định. Mặt khác, cũng không làm tăng tổ chức, biên chế cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã do tỉnh Vĩnh Phúc quản lý.
Riêng việc tổ chức lực lượng công an chính quy ở hai phường mới được thành lập, tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh Vĩnh Phúc và UBND thị xã Phúc Yên có phương án bố trí trong số lực lượng công an chính quy trên địa bàn cho phù hợp để không làm tăng biên chế.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, với việc thành lập phường, TP sẽ phát sinh tổ chức công an chính quy phường và đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức phải được đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng với yêu cầu, đặc điểm của đơn vị hành chính đô thị.
Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ chỉ đạo và địa phương có phương án sắp xếp, bố trí công an phường trong số lực lượng sẵn có trên địa bàn để không làm tăng biên chế; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, công chức trên địa bàn. Ngoài ra, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc có phương án sắp xếp, sáp nhập để giảm số lượng thôn, tổ dân phố và những người hoạt động không chuyên trách.