Chiều 13-5, UB Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến các tổ chức thành viên về Dự thảo văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024.
Đại diện nhiều tổ chức thành viên đã góp ý khá thẳng thắn. Trong đó, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã nêu "Dự thảo văn kiện mới đánh giá các giai cấp mạnh về số lượng, nhưng chất lượng thế nào thì chưa thấy nêu".
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói cần phải đánh giá toàn diện các giai cấp Việt Nam để nâng cao năng suất lao động, tránh việc thanh niên đẹp như tiên lại đi làm thuê cho nước ngoài.
“Ví dụ đội ngũ công nhân thì phải chỉ rõ giai cấp công nhân Việt Nam mạnh chỗ nào, yếu chỗ nào. trình độ năng lực có được nâng lên hay không, hay mãi đi làm thuê? 4.0, 5.0 mà thanh niên đẹp như tiên suốt ngày phải đi lao động làm thuê”, bà Doan nói.
Bà Doan nhận định: Thủ tướng lúc nào cũng kêu gọi Chính phủ kiến tạo, phải lao động sáng tạo, phải tăng năng suất chất lượng, hiệu quả nhưng trình độ năng lực đội ngũ công nhân như thế này chưa đảm bảo.
Ngay cả đội ngũ công chức viên chức cũng phải đánh giá ưu-nhược điểm. “Ví dụ phải đánh giá hiện nay có một bộ phận đạo đức xuống cấp, một bộ phận vẫn lười học, lười phấn đấu. Tôi muốn đánh giá ưu nhược và thấy rõ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ hội nhập chưa”, bà Doan nói.
Dẫn ra số liệu về năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 chỉ bằng 1/23 Singapore, bà Doan nói trình độ năng lực của bản thân người lao động là không sáng tạo, lao động làm thuê, lao động cơ bắp là chính.
Vì thế, trong góp ý về phần mục tiêu của văn kiện, bà Doan cho rằng: cần phải xác định lại mục tiêu đổi mới toàn diện theo các nghị quyết của Trung ương về văn hóa, kinh tế và giáo dục.
Trích dẫn Nghị quyết Trung ương 8, khóa XII và Nghị quyết 29 về đổi mới toàn diện giáo dục, bà Doan nói: “Các nghị quyết có ý rất rõ rằng: Phát triển kinh tế phải dựa vào kinh tế tri thức và kinh tế xanh. Tuy nhiên, từ đó tới nay việc triển khai kinh tế tri thức là rất yếu, chưa có biện pháp đủ mạnh…”. Bà Doan cho rằng: kinh tế tri thức là phải tăng cường học tập, học suốt đời, học hàng ngày để dung nạp tri thức, bồi đắp tri thức, đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
“Người ta nói kinh tế 4.0, chính là nền kinh tế chia sẻ, kết nối bằng Internet, bằng các công cụ công nghệ thông tin. Tuy nhiên, kiểm điểm lại nền kinh tế của chúng ta thì bao nhiêu % là đáp ứng được nền kinh tế tri thức?”, bà Doan đặt vấn đề và nhấn mạnh: “Không học tập thì luôn luôn tụt hậu!”.
Cuối cùng, trích lời Thủ tướng, bà Doan nói: “Việt Nam đã 30 năm làm thuê rồi, lao động cơ bắp rồi, bây giờ phải sáng tạo, phải phát triển bằng trí tuệ. Nhưng sáng tạo, trí tuệ ở đâu mà có? Đó chính là nền kinh tế tri thức. Phát triển nền kinh tế tri thức bằng sự học và từ tri thức đó mới trở thành sáng tạo. Nếu cứ thế này Việt Nam sẽ tụt hậu xa hơn nữa”.