Từ ngày 31-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt đầu tuần lễ làm việc tại châu Âu, bao gồm tham gia hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), đồng thời đến thăm và làm việc với lãnh đạo các nước Anh, Pháp.
Phát biểu tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chuyển đến cộng đồng quốc tế thông điệp: Dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn ba thập niên qua nhưng Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
PGS-TS Vũ Thanh Ca, giảng viên cao cấp, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, đã có những nhận định xung quanh đến chuyến công du mang rất nhiều ý nghĩa và thành quả lần này của Thủ tướng.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đón Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Ảnh: TTXVN
Để đạt được cam kết COP26
. Phóng viên: Để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu tại COP26, Việt Nam cần nhắm đến các giải pháp quan trọng nào?
+ PGS-TS Vũ Thanh Ca: Điều đầu tiên tôi muốn nói là việc quy hoạch, phát triển năng lượng phải hiệu quả. Trong thời gian qua, việc thực hiện quy hoạch năng lượng của Việt Nam còn nhiều vấn đề, gây ra sự lãng phí nguồn lực rất lớn. Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, chúng ta phải có sự tính toán để tiết kiệm. Ngoài ra cũng cần phải có sự đầu tư nhất định về công nghệ để đảm bảo sử dụng được những công nghệ mới, nhất là công nghệ về lưu giữ năng lượng. Bởi vì đặc điểm của năng lượng tái tạo là không ổn định.
Thứ hai là cần tăng cường trồng và bảo vệ rừng. Phải giảm hoạt động khai thác như phá rừng làm rẫy, sống dựa vào tài nguyên ở các khu vực miền núi. Thứ ba là công nghệ lưu trữ carbon. Hiện công nghệ này đã có nhưng giá thành cao nên các nhà máy nhiệt điện trên thế giới hầu như chưa áp dụng.
Thời gian tới, chúng ta phải nghiên cứu để áp dụng vì có những cam kết từ những nước phát triển là sẽ không đầu tư cho những dự án nhiệt điện than mà không có công nghệ thu giữ và lưu giữ carbon. Nhìn chung, chúng ta vẫn phải nỗ lực hết sức để giảm phát thải càng nhiều càng tốt.
Kỳ vọng vào các thỏa thuận quốc tế
. Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden đã và đang đưa ra nhiều cam kết mạnh mẽ và quan trọng về giảm thiểu tác hại từ biến đổi khí hậu. Ông kỳ vọng gì về tiềm năng hợp tác giữa hai bên trong giải quyết vấn đề này?
+ Mỹ là đối tác thương mại cực kỳ lớn của Việt Nam. Việt Nam với Mỹ có rất nhiều điểm tương đồng, những quyền lợi chung giữa hai nước đã giúp cho hai nước ngày càng xích lại với nhau và có những hợp tác ngày càng chặt chẽ. Phía Mỹ cũng nhận thức rằng Việt Nam là quốc gia có dân số khá đông, tốc độ phát triển nhanh và khá bền vững. Bởi vậy việc đầu tư vào Việt Nam sẽ rất có lợi cho Mỹ. Việt Nam nhận thức được vấn đề này để hợp tác với Mỹ.
Cam kết về rác thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Thủ tướng Phạm Minh Chính là một cam kết cực kỳ mạnh mẽ, dù rằng để thực hiện được cam kết này cũng rất khó khăn. Tôi mong rằng tại hội nghị COP26 lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính có thể kêu gọi được các nước phát triển hỗ trợ Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Bởi Việt Nam đã chịu hậu quả một thời gian rất dài nhưng chúng ta lại không phải là nguyên nhân gây ra việc này. Chúng ta góp phần rất ít vào nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu nhưng phải chịu hậu quả rất lớn. PGS-TS VŨ THANH CA |
. Thưa ông, trong chuyến công tác đến châu Âu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng tham dự và chứng kiến các chương trình ký kết thỏa thuận giữa các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam với Anh, Pháp có giá trị lên đến hàng tỉ USD. Điều đó có ý nghĩa như thế nào với Việt Nam trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực vượt qua đại dịch, phục hồi kinh tế?
+ Việt Nam hiện là nền kinh tế rất mở, nhờ đó mà chúng ta phát triển rất nhanh và ổn định trong thời gian vừa qua. Có thể nói là Việt Nam đang thay đổi từng ngày và chúng ta đã có những nỗ lực rất lớn về ngoại giao thúc đẩy hợp tác với toàn thế giới. Chính điều này đã giúp Việt Nam tiêu thụ được các sản phẩm làm ra và nhập những nguyên liệu cũng như chuyển giao công nghệ.
Trong chuyến công tác sang châu Âu lần này, Thủ tướng và những đoàn doanh nhân, cơ quan nhà nước đi cùng Thủ tướng đã rất nỗ lực hoạt động để có thể ký kết được các thỏa thuận với các đối tác. Tôi tin rằng trong thời gian tới, những thỏa thuận đó sẽ được triển khai thực hiện. Ngoài ra, tôi cũng hy vọng những thỏa thuận liên quan đến hỗ trợ Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu để đảm bảo sinh kế của người dân cũng sẽ sớm được thực hiện.
. Xin cám ơn ông.
Hàng chục thỏa thuận trị giá hàng tỉ USD Tối 3-11 (theo giờ Paris, Pháp), sau khi kết thúc hội đàm giữa Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Cộng hòa Pháp Jean Castex, lãnh đạo hai quốc gia đã chứng kiến lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa các cơ quan và doanh nghiệp của hai nước. Trước đó vài ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng tham dự và chứng kiến lễ ký 26 thỏa thuận hợp tác. Các thỏa thuận giữa các cơ quan và doanh nghiệp Việt Nam với Anh và Pháp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm thương mại, y tế, nông nghiệp, giáo dục, năng lượng, bảo vệ môi trường, thể dục thể thao, tư pháp. Ước tính giá trị của các thỏa thuận này lên đến hàng tỉ USD. Đây là những thành quả quan trọng của Việt Nam nhân chuyến đi của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến châu Âu, trong đó điểm nhấn là việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc COP26 tổ chức tại Vương quốc Anh. |