Thanh tra chỉ là “người giúp việc”

Chiều 1-6, thảo luận tại tổ về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cho biết câu chuyện ấm ức của thanh tra là “làm mà không kết luận được”. Theo ông, lý do xuất phát từ địa vị pháp lý của thanh tra chỉ là “người giúp việc” cho người đứng đầu cơ quan hành chính.

“Chúng tôi thường nói đùa “thanh tra đá hòa là chính”. Câu chuyện “đá hòa” không phải tự nhiên mà có. Các đồng chí xem ở cấp tỉnh, bao nhiêu cuộc thanh tra cuối cùng kết luận thế nào, đôn đốc ra làm sao, nói thực hiệu quả rất thấp” - đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) thẳng thắn.

Phụ thuộc “cảm hứng” của người đứng đầu

Theo đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh), đã kết luận thanh tra rồi nhưng xử lý hay không thì còn tùy thuộc vào “cảm hứng” của người đứng đầu… Đại biểu Trịnh Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bến Tre, cũng nghe cán bộ thanh tra kể lại, “kết luận thanh tra ra rồi nhưng có ý kiến của cấp trên, việc thực hiện kết luận lại khác đi”.

Thanh tra chỉ là “người giúp việc” ảnh 1

Đại biểu quốc hội tỉnh Trà Vinh Huỳnh Phước Long phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

“Mổ xẻ” hiện trạng trên, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng lỗi không phải tại cán bộ thanh tra mà vướng ở cơ chế, địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra. Đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) đã ví thanh tra như “văn phòng 2” của UBND, thanh tra cái gì, kết luận ra sao đều do thủ trưởng cơ quan hành chính duyệt; chuyện đề bạt, lương bổng đều do chủ tịch UBND quyết…

Theo đại biểu Vũ Quang Hải, cũng giống như phòng chống tham nhũng, thanh tra nếu phát hiện sai phạm trong cơ quan, đơn vị rõ ràng liên đới trách nhiệm người đứng đầu. Ở vị trí người đứng đầu cơ quan có sai phạm mà duyệt kết luận thanh tra là không khách quan.

“Tại địa phương thanh tra còn phải báo cáo UBND, thậm chí xin ý kiến thường trực tỉnh ủy… Các ý kiến khác nhau thanh tra phải lắng nghe và chỉnh sửa kết luận theo hướng người lãnh đạo chỉ ra. Đã sửa thì khó kết luận mang tính độc lập, trung thực, khách quan, công minh” - ông Hải nói thẳng.

Thanh tra nên “song trùng trực thuộc”?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cho biết chính vì câu chuyện ấm ức “làm mà không kết luận được” nên đến những năm 1980, Ban Thanh tra Chính phủ đã được đổi thành Thanh tra Nhà nước với mong muốn “độc lập tương đối”. Tuy nhiên, đến khi sửa Luật Thanh tra 2004, địa vị pháp lý của thanh tra được đem ra bàn, cuối cùng xoay trở lại là Thanh tra Chính phủ, “như một người giúp việc”.

“Trách nhiệm người đứng đầu không rõ ràng nên anh em thanh tra ấm ức.

Nếu đã đặt tổng thanh tra Chính phủ là thành viên Chính phủ, thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang bộ thì cơ quan này phải độc lập và chịu trách nhiệm. Không thể tổ chức một anh như bộ trưởng nhưng lại chỉ đi giúp việc… Thanh tra cấp dưới cũng như vậy thì làm sao hoạt động được” - ông nói thẳng.

Quan điểm này cũng được thể hiện trong thẩm tra dự án luật của Ủy ban Pháp luật, mà theo ông Thuận, đặt ra để Quốc hội có ý kiến. “Nếu không làm rõ được vấn đề này, chúng tôi sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền thôi không sửa luật này nữa”.

Đại biểu Vũ Quang Hải cho rằng dự luật tiếp thu “không đạt yêu cầu” về địa vị pháp lý của thanh tra, đây là điều cốt lõi trong khi lại muốn cơ quan này làm tốt cả quản lý nhà nước về giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng.

Ông dẫn chứng: “Dự luật quy định chánh thanh tra tỉnh có quyền báo cáo lên Thanh tra Chính phủ những kiến nghị thanh tra mà chủ tịch UBND tỉnh không nhất trí. Nghe thì khách quan nhưng tôi cho là chỉ ông thanh tra nào bóng vía cứng cỏi mới dám làm như thế. Nói có vẻ hay nhưng thực hiện khó”.

Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) băn khoăn: “Ai cũng muốn thanh tra độc lập hơn nhưng hơn thế nào? Có độc lập được như tòa án, viện kiểm sát không? Chưa làm rõ được vấn đề này thì chưa thể xác định chính xác vị trí, vai trò của thanh tra”.

Đại biểu Nguyễn Phụ Đông (Bắc Ninh) bày tỏ ý kiến: “Tôi nghĩ thanh tra độc lập chính là được quyền chủ động xây dựng kế hoạch, tự chịu trách nhiệm về kết luận thanh tra, chủ động kiến nghị xử lý…” . Còn theo đại biểu Trần Tiến Dũng, muốn thanh tra không bị trói buộc cần áp dụng cơ chế “song trùng trực thuộc” như các cơ quan chuyên môn khác, thanh tra cấp tỉnh trực thuộc cả Thanh tra Chính phủ và UBND cấp tỉnh… Thậm chí đại biểu Lê Văn Tâm (Cần Thơ) đề nghị nên cơ cấu cơ quan thanh tra thành một hệ thống độc lập như tòa án, viện kiểm sát.

Dự án Luật Thanh tra sẽ tiếp tục được Quốc hội thảo luận tại hội trường vào sáng 9-6 tới (dự kiến được xem xét, thông qua tại kỳ họp cuối năm nay).

V.TIẾN - NG.NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm