BáoPháp Luật TP.HCM ngày 29-4 đăng bài “Doanh nghiệp than khổ, Thủ tướng xin lỗi” phản ánh tình trạng môi trường kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn khiến Thủ tướng rất sốt ruột. Nhiều bạn đọc đã chia sẻ những trăn trở trên của Thủ tướng và mong muốn có hướng tháo gỡ, giúp doanh nghiệp (DN) phát triển.
Tăng cường trao đổi với doanh nghiệp
Tôi nghĩ cần có những hành động thiết thực để cứu vãn tình trạng của DN hiện nay. Thứ nhất, các cơ chế, chính sách quản lý DN cần thay đổi một cách tích cực, thông thoáng theo hướng có lợi cho DN. Cụ thể là chính bản thân Chính phủ cùng các cơ quan có thẩm quyền cần đẩy mạnh triển khai sửa đổi văn bản và giao trách nhiệm thực hiện, quản lý cụ thể, minh bạch cho các cơ quan ban ngành. Đồng thời, Chính phủ cũng cần xử lý mạnh mẽ những hoạt động mà cơ quan nhà nước cản trở hoạt động của DN.
Thứ hai, quá trình hội nhập đã tạo cho DN nhiều cơ hội trong việc đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo phương thức rút ngắn. Tuy nhiên, đi đôi với cơ hội là những thách thức đang đặt ra. Hơn ai hết mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần phải hiểu rõ những nội dung cơ bản của hội nhập để từ đó xác định vai trò của mình, tích cực tham gia hội nhập. Bản thân cán bộ, công chức, viên chức không chỉ đóng vai trò là người chủ động tham gia hội nhập mà còn phải biết nâng cao nhận thức, đồng thời thấy được trách nhiệm của mình trong quá trình hoạt động của DN.
Doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội phát triển khi cơ chế, chính sách được thông thoáng, minh bạch. Ảnh: HTD
Thứ ba,cần tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, trong đó có bảo đảm ổn định chính trị-xã hội, trật tự an toàn xã hội để có môi trường thuận lợi cho làm ăn, phát triển sản xuất kinh doanh. Tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó là tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, DN được làm những gì mà pháp luật không cấm, đúng như Hiến pháp mới đây đã quy định.
Thứ tư, Chính phủ cần mở rộng phạm vi cho những hội thảo chia sẻ, trao đổi ý kiến giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với các DN để tìm ra những vướng mắc và từng bước tháo gỡ khó khăn. Sau lời xin lỗi của Thủ tướng tại hội nghị, thiết nghĩ các bộ, ngành cần nêu cao tinh thần, văn hóa xin lỗi và thực hiện lời xin lỗi tại các đơn vị để chất lượng hoạt động của DN ngày một tốt hơn.
KHOA NGUYỄN (giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)
Đừng luẩn quẩn xin ý kiến
Tôi đưa ra ví dụ: DN nhập khẩu nông sản như sắn lát, bắp, lúa mì về để làm thức ăn chăn nuôi. Theo thông tư hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng thì nông sản thuộc đối tượng không chịu thuế, thức ăn chăn nuôi thì phải chịu thuế giá trị gia tăng 5% khi nhập khẩu. Vậy nông sản do DN nhập khẩu về để làm thức ăn chăn nuôi chịu thuế 5% hay không chịu?
Vướng mắc xảy ra từ năm 2013. Bộ Tài chính có công văn hướng dẫn cho các cục Hải quan là “nhập khẩu sắn lát là thức ăn chăn nuôi thì chịu thuế 5%”. Từ đó Cục Hải quan tỉnh Bình Dương có công văn phản ánh vướng mắc, sau đó là Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh; thậm chí các DN ở Tây Ninh, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi cũng lên tiếng.
Đến giữa tháng 3-2014, Tổng cục Hải quan có công văn trả lời rằng “Bộ Tài chính đang trao đổi với Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT về vấn đề này”. Mãi đến ngày 21-4, Bộ Tài chính mới trả lời gỡ vướng là không chịu thuế, căn cứ trên ý kiến của Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT.
Mất khoảng nửa năm thì một vấn đề như áp thuế sao cho hợp lý mới được giải đáp. Tôi cho rằng như vậy là quá lâu. Cần phải khắc phục ngay tình trạng này.
ĐINH NHƯ QUỲNH (Thủ Đức, TP.HCM)
Chờ lâu mới thông quan, doanh nghiệp chết ngay
Nếu để hàng không đạt chất lượng lọt ra ngoài thị trường thì chúng tôi có lỗi với người dân. Nhưng làm cho đúng quy định mà quy định không phù hợp sẽ gây ách tắc hàng hóa của DN, chúng tôi lại có lỗi với DN. Cụ thể có những quy định không phù hợp như: Luật quy định DN phải đưa hàng về nơi có đủ điều kiện về giám sát của hải quan. Vậy DN nhập khẩu muối công nghiệp về để sản xuất thì đưa muối về đâu? Không có nơi đáp ứng điều kiện như quy định. Vậy là phải neo tàu, mà neo tàu thì DN chết!
Rồi có DN nhập khẩu bò sống về. Nhập súc vật sống thì phải có khu vực cách ly để kiểm dịch. Cơ quan Hải quan, Thú y Vùng 6 có chỗ nào đủ để chứa mấy ngàn con bò mà cách ly cho được?
Rồi ở TP.HCM, các cơ quan liên quan như hải quan, thú y... cũng hết sức tìm cách xử lý vấn đề. Các bên bàn bạc cả năm mới ký được một quy chế phối hợp và hoạt động tạm ổn đến nay. Thế nhưng trong dự thảo Luật Hải quan sửa đổi có yêu cầu phải có giấy kiểm tra hàng đạt chất lượng rồi mới cho DN thông quan. Làm vậy thì DN chết ngay. Chỉ cần ký thông qua luật xong là bảy ngày sau cảng Cát Lái ngừng hoạt động luôn vì hàng loạt tàu phải neo ở cảng chờ giấy. Cảng này là cảng hàng xá, một tàu mất 7-10 ngày mới dỡ xong hàng, mà neo chờ giấy hoài thì chỗ đâu mà tàu khác vô.
Ông NGUYỄN HỮU NGHIỆP, Cục phó Cục Hải quan TP.HCM, góp ý cho dự thảo Luật Hải quan sửa đổi