Tháo gỡ “rào cản” để xử lý tro xỉ nhiệt điện

Đó là bài toán được đưa ra tại Hội thảo “Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường ở Việt Nam” do Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội tổ chức mới đây.

Tháo gỡ các “rào cản”

Việc sử dụng tro xỉ nhiệt điện để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng đang gặp một số vướng mắc. Ảnh: TP

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng để giải quyết vấn đề năng lượng việc phát triển nhiệt điện than tại Việt Nam là khả dĩ nhất vì rẻ hơn các nguồn năng lượng khác (như điện gió, điện mặt trời, điện hạt nhân…), chiếm ít tài nguyên đất đai hơn… Tuy nhiên, nếu phát triển nhiệt điện than buộc phải đối mặt với vấn đề xử lý từ hàng chục đến hàng trăm triệu tấn xỉ thải từ nhiệt điện than mỗi năm.

PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện có 21 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, với tổng công suất lắp đặt khoảng 14.310MW, lượng nhiên liệu tiêu thụ khoảng 40 triệu tấn than/năm sẽ phát sinh lượng tro, xỉ thải mỗi năm khoảng 15,8 triệu tấn, hiện chỉ xử lý được khoảng 5 triệu tấn mỗi năm.

TS Đào Danh Tùng, Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng đánh giá, xỉ thải của 21 nhà máy nhiệt điện than hiện tại là chất thải rắn thông thường, không nguy hại. Tuy nhiên quy chuẩn của Bộ TN&MT lại xác định tro bay của các nhà máy nhiệt điện than thuộc đối tượng có khả năng là chất thải nguy hại. Đây là rào cản pháp lý gây hiệu ứng “tâm lý” trong ứng xử của cơ quan quản lý, cơ quan truyền thông và người dân đối với tro, xỉ nhiệt điện. Ngoài ra, Việt Nam còn thiếu các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với tro, xỉ làm vật liệu xây dựng, vật liệu san nền… dẫn tới khó xử lý đối với xỉ thải từ nhiệt điện than. Theo đó, các ý kiến tại hội thảo đề nghị tháo gỡ các “rào cản” này để xử lý vấn đề xỉ thải của nhiệt điện than trong thời gian tới.

Tro xỉ: nguyên liệu làm vật liệu xây dựng

Ông Trương Duy Nghĩa cho biết xét về thành phần hóa học, tro xỉ đốt than chủ yếu là các ô xít kim loại như silic, nhôm, titan, sắt, canxi, magie… đều là các thành phần hữu ích để làm vật liệu xây dựng. Theo các phân tích hiện nay, các nguyên tố kim loại nặng như thủy ngân, chì… hầu như không có. Từ những dẫn chứng này, ông Nghĩa đề nghị cần có phân tích để khẳng định, nếu trong tro xỉ không có các nguyên tố kim loại nặng độc hại như thủy ngân, chì thì cần coi tro xỉ là nguyên liệu để sản xuất vật liệu xây dựng. “Khi tro xỉ của nhà máy nhiệt điện đốt than được dùng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng thì bài toán về tro xỉ đối với môi trường không còn là vấn đề đáng bận tâm”, ông Nghĩa khẳng định.

Ông Trần Văn Lượng, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, việc sử dụng tro, xỉ để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng đang gặp một số vướng mắc. Nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng, gạch không nung và nhiều cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng khác có khả năng sử dụng sử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu nhưng lại không đủ điều kiện tiếp nhận tro, xỉ theo quy định tại Nghị định số 38/2015 của Chính phủ. Do đó, vấn đề xử lý, tiêu thụ tro, xỉ tại các nhà máy nhiệt điện than sẽ được giải quyết sớm nếu các cơ quan chức năng sớm ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về tro, xỉ làm vật liệu xây dựng và sử dụng trong công trình xây dựng, cũng như những chính sách đặc thù về quản lý tro, xỉ.

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay Bộ đang biên soạn các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật cho việc xử lý; sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng, dự kiến sẽ ban hành vào cuối năm 2017, đầu năm 2018. Khi các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn, định mức kinh tế kỹ thuật được ban hành thì những vướng mắc trong việc xử lý, sử dụng tro, xỉ này sẽ được tháo gỡ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm