Những ngày qua QH đã dành rất nhiều thời gian thảo luận về công tác PCTN của Chính phủ (CP), các báo cáo của CP, của chánh án TAND Tối cao, VKSND Tối cao… Nội dung bao trùm từ các ý kiến này là vì sao PCTN vừa qua kém hiệu quả? Do luật hay do thực thi chưa tốt?
Ý kiến nhiều đến nỗi đến hết buổi thảo luận ngày 9-11 về sửa đổi Luật PCTN vẫn còn 12 đại biểu (ĐB) chưa kịp nói.
Súng nổ to mà không sát thương được ai!
ĐB Nguyễn Văn Hiến, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu dẫn kết luận Hội nghị Trung ương 5, nói rõ yếu kém chủ yếu ở khâu tổ chức thực hiện. “Không cần sửa đổi bất cứ luật nào, với trách nhiệm quản lý nghiêm túc, sẽ không có hàng chục con tàu cũ mua về; không cần sửa đổi bất cứ luật nào, nếu giám sát tốt, sẽ không có bê tông cốt tre, không có những con đường, công trình vừa làm xong đã hỏng” - ông Hiến nói.
ĐB Dương Trung Quốc nêu: “Bảy năm qua, việc chống tham nhũng tựa như đánh trận giả. Kế hoạch tác chiến rất hoành tráng, lực lượng huy động rất hùng hậu, mệnh lệnh ra quân rất dứt khoát và được nhân dân cổ vũ mạnh. Khi lâm trận, súng nổ rất to mà không sát thương được ai vì đạn không có đầu!”.
Đại biểu Quốc hội TP.HCM Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: TTXVN
Đi vào những điểm sửa đổi, bổ sung lớn, các ĐBQH cơ bản đồng tình với dự thảo, quy định chi tiết về quy trình, thủ tục kê khai tài sản, công khai việc kê khai tài sản và kiểm tra tính chính xác trong kê khai tài sản. Tuy nhiên, đối tượng phải kê khai được mở rộng tới tất cả các cán bộ, viên chức là đảng viên - như kết luận Hội nghị Trung ương 5 đề ra - thì hầu hết ĐB cho rằng chưa nên. Bởi mới phạm vi hẹp như luật hiện hành, kê khai tài sản còn hình thức thì mở rộng sẽ khó khắc phục tính hình thức.
Thay vì mở rộng diện kê khai, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng nên kê khai cả con cái đã trưởng thành của quan chức. “Nhiều cán bộ chúng ta, con cái tự nhiên giàu lên. Mà trong kê khai tài sản hiện lại không ràng buộc với con thành niên. Cho nên lãnh đạo chúng ta kê khai tài sản rất ít, đến mức ĐB Dương Trung Quốc thấy họ “nghèo hơn mình”, phải lấy làm thương!” - ông Thuyền nói.
Ông Thuyền còn đề nghị bổ sung vào dự luật cơ chế thu hồi tài sản không giải trình được. “Ví dụ, anh mua gì đó mà quá khả năng thu nhập của anh thì phải chứng minh nguồn gốc. Không chứng minh được thì tịch thu. Không làm được việc này thì kê khai không ý nghĩa gì”.
Giờ cần tăng cường “chống”
Theo ĐB Huỳnh Nghĩa, nguyên Chánh án TAND TP Đà Nẵng, nếu không có cơ chế kiểm soát thu nhập của cán bộ, công chức, thậm chí của người dân thì kê khai tài sản sẽ vẫn mãi hình thức.
Cùng quan điểm, ĐB Trần Văn Độ, Phó Chánh án TAND Tối cao, e ngại việc công khai bản kê khai tài sản, dù được thực hiện ở cơ quan nơi người kê khai công tác thì vẫn khó tạo thay đổi lớn. “Đâu phải cán bộ, nhân viên không biết lãnh đạo đơn vị mình tham nhũng. Vấn đề là họ không muốn và không dám tố cáo hành vi tham nhũng”.
Đặt vấn đề về quan điểm sửa đổi luật, ông Độ đề nghị phải tập trung vào các quy định “chống”. Một trong các biện pháp chống ấy, đã được rất nhiều ĐBQH đề cập trong những ngày qua, là phải lập ra một thiết chế, dạng như ủy ban quốc gia về chống tham nhũng ở các nước. “Đó là một cơ quan mang thiết chế nhà nước, một công cụ đặc biệt. Cơ quan này được thành lập ở trung ương và các văn phòng ở một số tỉnh có quyền hạn thực sự độc lập, không phụ thuộc vào lãnh đạo chính quyền địa phương, chỉ chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị thông qua Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Đồng thời, luật quy định có biện pháp bảo vệ hữu hiệu các thành viên về mặt chính trị, về mặt pháp lý các thành viên của các ủy ban này” - ông Độ đề xuất.
Chi tiết hơn, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) gợi ý QH nên lập ủy ban quốc gia về PCTN, thuộc QH nhưng hoạt động độc lập. Ủy ban có thẩm quyền điều tra tất cả vụ việc có dấu hiệu tham nhũng nhưng chỉ là điều tra, thu thập chứng cứ ban đầu. Tùy theo kết quả cuộc điều tra đó mà có thể chuyển vụ việc cho cơ quan kiểm tra Đảng để xử lý kỷ luật về mặt Đảng hoặc chuyển cơ quan pháp luật và chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử.
“Theo cách này, hệ thống tố tụng sẽ không bị đảo lộn nhiều. Có thể ban đầu chỉ cần xử lý bằng một vài điều trong Luật PCTN. Còn sau đó sẽ làm hẳn một luật về Ủy ban Quốc gia PCTN. Tôi xung phong tham gia soạn thảo luật này, nếu được QH yêu cầu” - ông Nghĩa nói.
Đây là lần cuối cùng các ĐBQH thảo luận, góp ý cho dự thảo Luật PCTN sửa đổi. Vài ngày nữa, dự thảo sẽ được hoàn thiện để QH thông qua.
ĐB TRẦN VĂN ĐỘ, An Giang: Nghiêm minh quan trọng hơn nghiêm khắc!
Vấn đề quan trọng ở đây là tính nghiêm minh của pháp luật chứ không phải là tính nghiêm khắc. Nghiêm minh ở đây là với tất cả vụ việc tham nhũng, chúng ta phải có biện pháp để phát hiện và đưa ra xử lý. Kỷ luật là phải xử kỷ luật. Hình sự là phải xử hình sự. Chứ 100 vụ mà chỉ đưa ra hai vụ xử thật nặng thì không hề công bằng, không bình đẳng giữa người bị phát hiện với người còn trong bóng tối. Làm thế không thể răn đe. ĐBDƯƠNG TRUNG QUỐC, Đồng Nai: Mài sắc sức mạnh báo chí
|
NGHĨA NHÂN