Đó là những điểm đặc biệt của ngôi trường Andre Mai Sen (đường Nguyễn Văn Lạc, quận Bình Thạnh, TP.HCM). Trường do thầy Francis Văn Hội (66 tuổi, một Việt kiều Đức) đứng ra thành lập vào năm 2014 để nuôi dạy các em học sinh tuổi 16-22.
Trách nhiệm với quê hương
Thầy Hội quyết định về nước vào năm 2007 sau hơn 30 năm làm nghề đầu bếp ở Đức. Trong suốt những năm đó, thầy biết đến nhiều hoàn cảnh của các em học sinh từ miền quê lên TP để theo học nhưng lại đứt gánh giữa chừng chỉ vì gia đình quá khó khăn. “Tôi lớn lên trong viện mồ côi. Cái thời đó, tôi đã từng trải qua sự đói khát, thèm thuồng và cô đơn trong suốt nhiều năm, tôi hiểu những gì mà các em đang trải qua nên tự thôi thúc mình phải chia sẻ cùng các em” - thầy nói.
Một mình thầy chạy vạy khắp nơi để lo mọi thứ. Bạn bè thầy khi nghe thầy làm đều khuyên từ bỏ vì thấy thầy đã già, thêm vào đó họ bảo người ta muốn con lên TP để học hành đàng hoàng tử tế chứ ai lại cho con cái đi học làm đầu bếp bao giờ.
Còn thầy thì tâm tư: “Không làm thì thấy mình bần tiện và ích kỷ quá, chỉ sống cho riêng mình mà không có trách nhiệm với xã hội. Nghề nào cũng là nghề, các em tự lo cho cuộc sống của mình là được rồi”. Và cứ thế, thầy đã một tay gầy dựng nên ngôi trường như hiện tại, mang hơi hướng một nhà hàng ăn nhỏ để học sinh của mình có nơi thực hành.
Thầy lập ra ngôi trường nhưng chủ trương không thu học phí của bất kỳ học viên nào. Miếng ăn thầy lo, chỗ ở thầy cũng đi kiếm cho các em. Thầy thuê hai gian nhà, một nhà dành cho học viên nam và một nhà dành cho học viên nữ ở.
Nhưng không có nghĩa là nhà trường cho không các em mọi thứ. Mỗi em sẽ ký hợp đồng với nhà trường trong ba năm để theo học cho đến khi tốt nghiệp. Các em ra trường, có việc làm sẽ quay về phụ giúp nhà trường, đứng lớp giảng dạy cho các thế hệ sau.
Thầy Francis Văn Hội kỹ lưỡng dạy cho học viên của mình về vấn đề vệ sinh trong lúc nấu ăn. Ảnh: THANH TUYỀN
Dạy từ việc quét nhà đến... “cua gái”
Thầy trực tiếp đào tạo nghề nhà hàng khách sạn và nghề đầu bếp cho các em theo phương pháp đào tạo nghề của Cộng hòa Liên bang Đức. Chương trình có dạy tiếng Anh do giáo viên người nước ngoài đảm nhiệm. Các em học nấu món Á, Âu theo chương trình của Đức, thi bằng tiếng Anh dưới sự giám sát của Bộ Công nghiệp Đức và nhận bằng tiêu chuẩn Đức.
Các em được thực hành nấu ăn, phục vụ ngay tại nhà hàng thực tập của trường và khi đủ vững nghề, thầy sẽ viết thư gửi học trò đến các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ mát, tiệm bánh hoặc các công ty trong ngành công nghiệp thực phẩm để thực tập.
Mỗi ngày, từ 5 giờ 30 sáng, thầy đã có mặt ở trường để cùng các học viên của mình nổi lửa, chuẩn bị để bắt đầu một ngày học, làm việc. Sau 3-4 tháng theo học, các em sẽ trải qua thêm một thử thách mới. Các em đóng vai chủ nhà hàng, đi sớm về trễ, lo mọi việc từ mua sắm, đón tiếp khách, làm hóa đơn, tính tiền thu nhập, phân chia công việc, lo tổ chức tiệc… Thầy bắt đi chợ, viết hóa đơn, làm sổ sách, kế toán, xin giấy phép… để sau ba năm các em muốn mở quán phải biết làm tất cả.
Khi mới nhận các em vào, thầy phải tìm cách để các em thay đổi suy nghĩ về bản thân mình. Hầu hết các em luôn thấy mặc cảm với mọi người vì hoàn cảnh gia đình, với bạn bè cùng trang lứa. Vậy nên thầy luôn sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ mỗi khi biết em nào có chuyện buồn từ phía gia đình, là chỗ dựa tinh thần cho các em.
Có đứa buồn vì không có được cái điện thoại xịn để xài như các bạn khác, có đứa buồn vì thất tình..., thầy là người luôn ở bên cạnh. Thậm chí biết bạn nam nào có ý với bạn nữ mà cách thể hiện chưa lịch sự, thầy cũng kêu lại để chỉ cách “cua gái”... “Mình cũng tạo điều kiện cho hai đứa được đi cùng nhau khi mua đồ, làm cái này cái kia...” - thầy cười hiền.
Trong tất cả những việc mà các em làm từ chùi bồn cầu, rửa chén, đổ rác, ủi quần áo..., thầy đều cố gắng để các em ý thức được tinh thần trách nhiệm của mình với công việc. Dù là quét nhà thôi nhưng thầy cũng theo sát các em để chỉ bảo. Chỗ nào chưa sạch phải quét lại, dưới cạnh bàn còn rác phải cúi xuống kéo ra mà nhặt lên chứ không làm cho qua chuyện. Đi ra đường, thấy cây đinh nằm trên đường thì hãy nghĩ đến người khác để nhặt nó lên vì lỡ có người giẫm phải thì gây nguy hại cho họ...
“Tôi chủ trương không cho không các em thứ gì cả. Dù nghèo nhưng không em nào mang cảm giác đang nhận sự bố thí từ nhà trường mà đó là sức lực, sự cần cù của các em” - thầy nói.
Nỗi trăn trở của người thầy Năm 2020 thầy Hội buộc phải trả lại mặt bằng của ngôi trường vì nó nằm trong diện giải tỏa. Sợ học trò của mình không có nơi chốn để học, thầy vẫn đang cố gắng đi tìm mặt bằng mới xây lại trường để tiếp tục dạy dỗ các em. Điều thầy lo lắng hiện nay là thầy đã lớn tuổi, không đủ sức, đủ vốn để đi đường dài. “Tôi vẫn đang cố gắng thu xếp để tìm kiếm mặt bằng và xây dựng lại ngôi trường mới cho các em, chứ đến lúc họ lấy lại mặt bằng thì không biết các em sẽ đi đâu về đâu” - thầy trăn trở. Mỗi năm Trường Andre Mai Sen nhận khoảng 300 hồ sơ của các em gửi về từ khắp mọi miền đất nước. Hiện trường có 110 học viên theo học. Trong số đó có bảy học viên được gửi ra nước ngoài để đào tạo. Hầu hết các em xuất thân trong những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, mồ côi, là nạn nhân chất độc da cam hay khuyết tật nhẹ... |