Đại diện các trường cao đẳng, trung cấp nghề phàn nàn như vậy tại tọa đàm “Giáo dục nghề nghiệp phục vụ xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn TP.HCM” do Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức sáng 23-11.
Ông Trần Viết Phú, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II, cho rằng hoạt động XKLĐ thời gian qua chủ yếu đưa lao động thô (lao động phổ thông) nên thu nhập thấp so với lao động bản xứ.
Ông Phú dẫn chứng thực tế có doanh nghiệp (DN) Nhật đặt hàng nhà trường đào tạo và sát hạch tay nghề đã trả lương cho lao động Việt Nam hơn 3.000 USD/tháng, trong khi lao động thô thu nhập 1.000 USD/tháng.
Đại diện các trường nghề cho rằng nếu sinh viên được đào tạo nghề bài bản, thu nhập mà doanh nghiệp trả có thể là 3.000 USD/tháng. Ảnh: P.ĐIỀN
Ông Phú thông tin đào tạo nghề tại trường đang áp dụng theo mô hình DN, có kế hoạch và sự tham gia của DN trong quá trình đào tạo để sát với thực tế và nhu cầu DN. “Các DN cứ đặt hàng, chúng tôi sẽ đáp ứng đúng tiến độ, quy trình và yêu cầu DN đặt ra để khi đưa sang các nước làm việc thu nhập nâng lên” - ông Phú đề xuất.
ThS Lê Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP.HCM, đánh giá thực tế các DN XKLĐ đến trường tham khảo khá nhiều nhưng họ đặt hàng đào tạo còn khiêm tốn nên trường khó nắm nhu cầu thực tế của họ.
Ông Bình cũng thừa nhận trường rất thiếu thông tin về thị trường và nhu cầu việc làm các nước trong khi trên địa bàn TP có tới hàng chục DN XKLĐ, mỗi DN có định hướng, nhu cầu khác nhau nên rất khó đáp ứng. Ngoài ra, các em sinh viên có định hướng XKLĐ cũng rất đắn đo vì thiếu thông tin về các DN XKLĐ nên cung-cầu chưa đạt hiệu quả cao.
Một số doanh nghiệp Nhật đã đưa giáo viên, thiết bị thực hành sang Việt Nam hướng dẫn kỹ năng, an toàn lao động. Ảnh: P.ĐIỀN
Ngược lại, ông Nguyễn Xuân Lanh, Trợ lý giám đốc phụ trách quản trị chiến lược và đối ngoại Công ty TNHH Eshuhai (chuyên cung ứng thực tập sinh sang Nhật làm việc), cho rằng các trường nghề có bốn lỗ hỏng là thiếu kỹ năng chuyên môn, tiêu chuẩn làm việc chưa nghiêm ngặt, kỹ thuật công nghệ lạc hậu và giải quyết việc làm hậu học nghề.
Ông Lanh cho biết tỉ lệ người già tại Nhật đang tăng cao, ngược lại số lao động trẻ Việt Nam dồi dào, đây là nguồn cung lao động lý tưởng cho Nhật Bản. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề còn tồn tại, những người học nghề và nhà trường cần lưu ý. Thứ nhất, khi sang Nhật làm việc, các em chưa tận dụng để xây dựng mối quan hệ với chủ sử dụng lao động. Thứ hai, thu nhập bình quân tại Nhật khá cao, khoảng 25 triệu đồng/tháng; nhiều em có nhu cầu XKLĐ để cải thiện thu nhập, học tiếng, kỹ năng… tuy nhiên lại gặp khó khăn về tài chính trước khi xuất cảnh.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP.HCM, đánh giá: XKLĐ là nhu cầu có thực, là một trong bốn xu hướng việc làm như làm việc trong cơ quan nhà nước, di chuyển lao động tự do (lao động có trình độ) và khởi nghiệp. Thực tế, nguồn cung lao động TP.HCM tham gia vào XKLĐ chỉ chiếm khoảng 7% trên tổng số lao động các địa phương đang học tập, lao động tại TP. Tuy nhiên, TP.HCM là trung tâm kết nối giữa các DN XKLĐ, các trường nghề và người lao động để tham gia vào thị trường lao động cả nước. |