Thầy Chỉnh và trò... ngoại

Theo HLV Đặng Trần Chỉnh, trong bóng đá chuyên nghiệp, tình nghĩa thầy trò hay bị chi phối bởi danh vọng, tiền tài nhưng nhiều lúc cái tình ấy lại giúp người ta sống thân ái hơn. Chỉnh tâm sự: “Đời HLV bóng đá bạc bẽo nhưng tôi không hối hận vì ít ra vẫn còn có tình nghĩa với các học trò nghèo tiền nhưng giàu tình”. Câu chuyện của thầy Chỉnh vẫn tiếp tục với hình ảnh đẹp trong lòng ông: Khi xảy ra xích mích với lãnh đạo đội TMN-CSG, tôi chia tay CLB mà lòng tê tái. Buồn lắm! Nhưng nhờ có những lời chia sẻ chân thành từ đám học trò mà lòng mình ấm áp. Điển hình như Elenildo, cầu thủ ngoại người Brazil. Ngày cầu thủ này đến xin thử việc chỉ với bộ đồ rách và chiếc giỏ cũ kỹ. Thế là tôi phải chở cầu thủ mình đi mua bộ đồ tốt thay vào, đưa đi ăn uống trước khi tìm một chỗ cho hắn nghỉ. Nhìn Elenildo lúc đấy đáng thương lắm! Nhưng tôi cố gắng không để tình cảm chen vào chuyên môn nên nói rất dứt khoát: “Phải đá tốt tôi mới nhận. Còn không thì chịu nhé!”.

Elenildo không phụ sự kỳ vọng và ngay mùa đầu tiên đá cho Thép-Cảng đã trở thành chân sút đắt giá, lên luôn ngôi vua phá lưới V-League.

Sau này khi tiền lương kha khá, hắn tin tôi, gửi hết cho tôi giữ giúp. Có lần Elenildo mua món quà đắt tiền tặng tôi với lời nói cảm tạ tấm lòng của tôi đối với hắn, tôi la một trận và nói: “Hãy dành dụm tiền làm được một cách chân chính gửi về nuôi vợ con nghèo khổ ở quê nhà đi!”. Sau đó tôi nói thẳng: “Anh cứ đá bóng tốt trên sân cỏ, bấy nhiêu là đủ tình nghĩa thầy trò rồi” - ông Chỉnh kể.

Không chỉ Elenildo mà ngay Helio, Kleber... cũng tôn trọng thầy Chỉnh lắm. Hỏi các cầu thủ này thì nghe họ nói rất thật: “Coach Chỉnh đã sống hết lòng, động viên và che chở cho chúng tôi từ những ngày đầu tiên đến Việt Nam. Chúng tôi biết ơn những người thầy thực sự lo cho cầu thủ và làm việc bằng chuyên môn tốt cộng với cái tình”. Nhắc đến chuyện thầy Chỉnh, như Antonio nay là cầu thủ nổi tiếng của Gạch Đồng Tâm đến giờ cũng gọi Chỉnh là “sư phụ”. Antonio đến giờ vẫn ghi nhớ lúc thử việc ở Đồng Tâm, khi được tín nhiệm trong màu áo hạng Nhất của TMN-CSG không thấy ai ngó ngàng đến nhưng sau khi đá thử một mùa dưới sự hướng dẫn của thầy Chỉnh thì Antonio đã là hiện tượng của bóng đá Việt Nam. Antonio nói: “Tôi mang ơn thầy Chỉnh vì đã phát hiện ra tôi và tạo điều kiện để tôi phát triển”.

Thầy Thịnh “đen” và nỗi buồn ở lò Sông Lam

Gặp chúng tôi, HLV Nguyễn Văn Thịnh (thường gọi là Thịnh “đen”) tâm sự:

“Tôi làm thầy của một dàn cầu thủ nội thuộc hạng sao mà nhiều đội bóng giàu ở V-League lẫn hạng Nhất thèm thuồng. Thế nhưng nghiệt nỗi mỗi mùa bóng chi tiêu của SLNA chỉ gói gọn 11 tỷ đồng nên chỉ mỗi chuyện ông thầy phải canh chừng “chảy máu cầu thủ” cũng đủ mệt”.

Thầy Thịnh “đen” với các ngôi sao Sông Lam. Ảnh: NH
Thầy Thịnh “đen” với các ngôi sao Sông Lam. Ảnh: NH

Ông Thịnh kể mùa bóng V-League 2007, SLNA về thứ bảy chung cuộc nên bị trừ đến 20% của bảy tỷ đồng (theo quy định với nhà tài trợ). Như vậy cộng với ngân sách hàng năm của Ủy ban tỉnh rót xuống 4,5 tỷ đồng nên mùa qua SLNA chỉ chi tiêu trong vòng trên 10 tỷ đồng. Mức ấy so với mùa V-League của các đội bình quân từ 18 đến 20 tỷ đồng thì rõ ràng là Sông Lam mạnh về con người chứ không mạnh ở kinh phí.

Thịnh “đen” thường lấn cấn giữa chuyện bán một cầu thủ giỏi để nuôi đội và để anh em còn lại sống khỏe có khi còn hay hơn là giữ những siêu sao kiểu Huy Hoàng hay Công Vinh mà ì ạch rớt xuống hạng bảy. Thế nhưng nghiệt ngã là nhà tài trợ không cho bán vì đó là thương hiệu của đội, thương hiệu của nhà tài trợ. “Nếu CLB bán thì nhà tài trợ... rút, như thế có khi cũng chẳng còn đội bóng” - ông Thịnh nói thế.

Ông Thịnh còn tâm sự, nhiều lúc hướng dẫn nhóm cầu thủ trẻ trên sân bực quá ông đã quát lên: “Đá thì dở ẹt mà lương thì đòi cho cao, tinh tướng... ”. Nói rồi, ông lại thấy hối hận. Nhưng có một thực tế là nhiều lúc cầu thủ không biết mình đang ở đâu. Là người làm công tác đào tạo trẻ, ông rất sợ điều ấy vì nó giết lần giết mòn cầu thủ bởi sự ngộ nhận.

TẤN PHƯỚC

PHẠM THỌ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm