Như PLO đã đưa tin, những ngày qua, mạng xã hội lan truyền một danh sách về chia tách, sáp nhập tỉnh, thành.
Trả lời báo chí, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh khẳng định các thông tin, hình ảnh đang lan truyền trên mạng xã hội về sắp xếp, sáp nhập tỉnh, thành ở Việt Nam là không đúng.
Hiện Bộ Nội vụ và các cơ quan chức năng đang triển khai việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đúng như chỉ đạo của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư.
Nhiều bạn đọc thắc mắc, các thông tin sai sự thật về những vấn đề quan trọng trong cuộc sống tràn lan trên mạng xã hội khiến công chúng hoang mang. Có chế tài nào để xử lý các hành vi này không?
Luật sư Trần Thị Thanh Thảo (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết pháp luật Việt Nam quy định cá nhân, tổ chức phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội. Việc sử dụng mạng xã hội chịu sự điều chỉnh của Luật An ninh mạng năm 2018, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Nghị định 72/2013... Hành vi tạo ra, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật là hành vi bị nghiêm cấm (điểm d khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018).
Tùy thuộc vào tính chất, mức độ và hậu quả của việc tung tin thất thiệt, các đối tượng tung tin sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc bị xử lý trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại về danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức thì người vi phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Các quy định pháp luật và chế tài về hành vi này đã khá đầy đủ, đồng bộ. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng thông tin sai sự thật vẫn xuất hiện tràn lan trên không gian mạng.
Về chế tài xử phạt vi phạm hành chính, Nghị định 15/2020 (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định 14/2022) quy định hành vi đăng tin sai sự thật trên mạng xã hội có thể bị xử phạt theo Điều 101 Nghị định 15/2020 (được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022).
Theo đó, phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân…
Người vi phạm còn phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.
Theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020, mức xử phạt nêu trên áp dụng đối với tổ chức có hành vi vi phạm, đối với cá nhân có hành vi vi phạm thì xử phạt bằng 1/2 lần mức xử phạt của tổ chức.
Về chế tài hình sự, hành vi tung tin sai sự thật trên mạng xã hội có thể bị xử lý về tội Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Điều 117 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tội Vu khống theo Điều 156 BLHS 2015, tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo khoản 1 Điều 288 BLHS 2015...
Về dân sự, người vi phạm phải gỡ bỏ, cải chính thông tin đã đăng sai sự thật, phải bồi thường theo quy định của pháp luật...