Thầy giáo như mẹ hiền - Bài 2

Thầy giáo 50 tuổi dạy trẻ mầm non

Thầy Nguyễn Phúc Hiếu dạy tại Trường Mầm non An Phú, huyện Củ Chi hơn 10 năm nay. Ngoài thầy Hiếu, huyện Củ Chi còn có thầy Nguyễn Ngọc Luân cũng đang giảng dạy tại Trường Mầm non Tân Thạnh Đông.
“Tại sao lại có ông thầy dạy mầm non?”
Đến Trường Mầm non An Phú đúng lúc thầy Hiếu đang dẫn học trò ra sân học tập. Thầy đi trước, học trò theo sau như đàn con nhỏ theo cha. “Đố các con biết đây là loại hoa gì?” - thầy Hiếu chỉ vào vườn hoa mào gà đang khoe sắc. Các trẻ nhìn theo đầy ngạc nhiên nhưng lắc đầu trước câu hỏi của thầy giáo già.
“Đây là hoa mào gà. Loài hoa này thường được mọi người dùng để trưng bày vào mỗi dịp xuân về. Do đó, các con không được hái hoa nhé” - thầy Hiếu dặn dò.
Không chỉ xem hoa, các con còn được thầy hướng dẫn về các loại rau củ. Sau tiết học ngoài trời, các con được vào lớp để học làm quen với chữ cái. Sau tiết học, thầy phát sữa học đường cho các trẻ đã đăng ký. “Giờ nào việc nấy, do đó công việc cứ luôn tay luôn chân. Trẻ con hiếu động nên giáo viên phải luôn quan sát” - thầy Hiếu nói.
Do lớp thầy Hiếu dạy không có bán trú nên 10 giờ 30 phút trẻ sẽ được đón về, đầu giờ chiều quay lại học.
Tới đón con, chị Nguyễn Thị Hồng Lan, một phụ huynh, cho biết đây là năm đầu tiên con của chị học lớp thầy Hiếu. 
“Ban đầu khi nhận lớp, biết giáo viên dạy con mình là một thầy giáo, tôi ngạc nhiên và hơi lo lắng. Tại sao lại có ông thầy dạy mầm non? Liệu thầy có biết chăm trẻ, có dạy được các con? Tham khảo ý kiến từ nhiều phụ huynh, họ đều cho rằng thầy rất hiền và tận tình nên tôi bớt lo lắng. Sau thời gian, bé có sự tiến bộ rõ rệt. Hỏi con, con cũng bảo quý thầy lắm. Cho nên tôi cũng dần yên tâm” - chị Lan nói.

Thầy Nguyễn Phúc Hiếu luôn lấy niềm vui, sự chăm ngoan của con trẻ làm động lực để tới trường mỗi ngày. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Tương tự, chị Lê Thị Bích Trâm cũng cho biết ban đầu hơi thắc mắc sao thầy lại dạy lớp con mình. Thế nhưng sau một thời gian, thầy dễ gần, thân thiện, hay dành thời gian trao đổi với phụ huynh về việc học cũng như sự phát triển tâm sinh lý của con. Do đó, chị hài lòng về cách dạy của thầy.
Là đồng nghiệp cùng dạy lớp lá 6 với thầy Hiếu, cô Hồ Thị Hòa cho hay thầy Hiếu rất dễ thương và nhiệt tình trong công việc. “Năm nay, tôi phải đi học trung cấp chính trị hai ngày/tuần nên phần công việc của tôi sẽ do thầy đảm nhiệm. Thầy không hề than vãn, còn giúp đỡ hết mình. Trong lĩnh vực phát triển thể chất thầy rất giỏi, thường giúp đỡ đồng nghiệp. Dù đã lớn tuổi nhưng thầy luôn cập nhật kiến thức mới để nâng cao trình độ của mình” - cô Hòa bày tỏ.
Từng bỏ cuộc nhưng vì yêu trẻ nên lại gắn bó
Khi còn là học sinh phổ thông, vốn thích chơi với trẻ nên đến lớp 12, Nguyễn Phúc Hiếu nộp hồ sơ thi vào Trường Trung học Sư phạm mầm non TP.HCM.
“Khi đó ba mẹ chỉ nói: “Con đã chọn thì nên xác định vì nghề này rất cực và không hợp với nam giới”. Ban đầu hơi phân vân nhưng lỡ yêu nên tôi quyết học đến cùng. Ban đầu mọi người còn xì xào, bàn tán thế nhưng lâu ngày thấy được sự ham học tập của tôi nên ai cũng giúp đỡ” - thầy Hiếu nhớ lại.
Năm 1990 thầy Hiếu ra trường, về dạy ở Trường Mẫu giáo Bông Sen 4 (bây giờ là Trường Mầm non Phước Hiệp). “Đi dạy được bốn năm, đến năm 1994 vì đồng lương quá ít ỏi, không đủ nuôi sống gia đình, tôi quyết định nghỉ việc đi hợp tác lao động tại Hàn Quốc rồi Malaysia. Sau đó tôi làm quản lý cho một công ty tại Bình Dương. Tuy nhiên, công việc khắc nghiệt, không được mọi người tôn trọng nên tôi nghỉ việc năm 2008”.
“Thời gian ở nhà, cứ nhìn thấy trẻ con quanh xóm được gia đình đưa đi học, nỗi nhớ trường, nhớ lớp, nhớ trẻ nhỏ khiến tôi quay quắt. Nhiều đêm không ngủ, tôi dằn vặt mình tại sao đã chọn lại không theo đến cùng để giờ phải tiếc nuối. May mắn năm 2009, Sở GD&ĐT TP.HCM tuyển dụng. Tôi quyết định nộp hồ sơ và trúng tuyển. Vợ cũng là giáo viên, hiểu được tình yêu của tôi đối với trẻ nên luôn động viên, hỗ trợ tôi” - thầy Hiếu tâm sự.
Theo thầy Hiếu, khi mới quay lại nghề, mọi thứ với thầy không hề dễ dàng vì đã rời xa nghề giáo khá lâu. Để bắt kịp với công việc, thầy phải tự học hỏi. May mắn là trong trường có một đồng nghiệp học cùng khóa ngày xưa nên thầy được hỗ trợ nhiều.
Để có được lòng tin của phụ huynh, thầy trau dồi kiến thức, tận tình chăm trẻ. Bên cạnh đó, thầy còn tích cực học những phương pháp mới để dạy trẻ. Và các em tiến bộ từng ngày. Sau một thời gian gửi con, có những hôm phụ huynh mang bưởi, ổi trồng được đến biếu. Đó là điều khiến thầy thấy vui.

Giáo viên nam không nhiều nhưng rất giỏi 

Giáo viên mầm non là nam giới trong TP không nhiều, bởi đặc thù của nghề này chủ yếu là nữ. Tuy nhiên, nam giới khi đã cống hiến cho ngành thường phát triển rất tốt.

Các thầy giáo dạy mầm non ở TP đều có chuyên môn vững vàng. Nhìn chung họ có nhiều kỹ năng trong chăm sóc, giáo dục trẻ. Họ linh hoạt trong vấn đề dạy trẻ, có nhiều sáng kiến trong dạy học. Nếu họ đã chọn nghề thì họ quyết theo đuổi đến cùng, luôn gắn bó, chăm chỉ và sáng tạo trong công việc.

Do ở môi trường chủ yếu nữ giới nên giáo viên nam sẽ được quý mến, hỗ trợ rất nhiều trong công việc. Ngược lại, những việc nặng nhọc trong trường, vốn thuộc về phái mạnh sẽ là dịp để họ thể hiện vai trò của mình.

Khó khăn đối với giáo viên nam trong công việc chủ yếu đến từ vấn đề vệ sinh cho các bé gái trong quá trình học tập tại lớp. Tuy nhiên, rào cản này sẽ vượt qua nếu bản thân họ toàn tâm toàn ý cho công việc, nhận được sự tin tưởng của phụ huynh cũng như sự chia sẻ từ đồng nghiệp.

Hiện mỗi lớp đều do hai giáo viên phụ trách. Hiểu được cái khó của giáo viên nam nên tại các trường, các lớp có thầy giáo dạy, giáo viên nữ thường phụ trách việc chăm sóc các bé gái để san sẻ công việc cho các thầy. 

LƯƠNG THỊ HỒNG ĐIỆPTrưởng phòng Giáo dục mầm non,
Sở GD&ĐT TP.HCM


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm