Đã đỡ hơn nhiều... cái “khốn khó”!
Trường PTDTBT THCS Nậm Típ với hơn 360 em học sinh chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số như: Khơ Mú, H”Mông và Thái..., nằm sát với phía tây của tỉnh Nghệ An – Sát với biên giới Việt – Lào của Tổ Quốc. Nơi ngôi trường đóng chân thuộc địa phận của hai xã Mường Típ và Mường Ải- một trong những xã được xem là những xã khó khăn nhất của huyện Kỳ Sơn với hơn 90% học sinh là những con em thuộc hộ nghèo đang đến trường. Cùng với sự phát triển của thời gian, Mường Tít và Mường Ải cứ lẳng lặng chứng kiến bao đứa trẻ cùng bao thầy cô bỏ lại phố thị sau lưng, lầm lũi đi những chặng đường dài để kiếm tìm con chữ.
Thầy Nguyễn Công Danh -Hiệu trưởng trường Nậm Típ bên luống rau.
Cuộc sống của đồng bào nơi đây chủ yếu sống bằng nghề làm nương rẫy với những phương thức canh tác rất lạc hậu: “Đục lỗ tra hạt” bởi vậy mọi thành quả lao động cứ phó mặc cho thiên nhiên. Dân trí nơi đây lại thấp, đời sống bếp bênh nên việc đi học của những đứa trẻ lại chùn đi nhiều bước... Mỗi lần nhắc về ngày tháng khốn khó ấy, thầy cô trường Nậm Típ vẫn nhớ về hình ảnh những đứa trẻ gùi gạo trên lưng vượt cả quãng đường xa để tới trường. Khi đề cập về vẫn đề này, thầy Ngành (Hiệu phó trường Nậm Típ) kể: Ở đây, học sinh đến trường đi học thường ở cách nhà rất xa, có những em ở bản Phà Nọi - xã Mường Típ cách trường hơn 20km nên trước đây phụ huynh và nhà trường phải dựng tạm lều lán cho các em ăn ở xung quanh khu vực trường và các em chỉ được về nhà vào chiều thứ 7; cuộc sống sinh hoạt hết sức chật chội, thiếu thốn và tạm bợ. Chỉ khi được Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam hỗ trợ xây dựng ngôi nhà hai tầng khang trang, kiên cố vào năm 2014 thì các em mới có chốn ở đàng hoàng hơn. Cái âu lo của thầy cô và cha mẹ các em mới giảm đi chút ít.
Trước đây, nhà nước hỗ trợ các em gạo, tiền để động viên con em vùng đặc biệt khó khăn đến trường. Nhưng nguồn kinh phí ấy lại được chi trả mỗi năm 2 lần, vậy nên đôi lúc số tiền ấy lại thành khoản chi tiêu cho cả một gia đình. Cái đói nghèo đeo đẳng nơi đôi chân của những đứa trẻ và gia đình chúng, các em phải bỏ học ở nhà làm nương rẫy cùng cha mẹ để tìm cái ăn hơn là những con chữ khi tới trường. Thế rồi, Thông tư 24 của Bộ GD&ĐT và Quyết định 85 của Thủ tướng Chính phủ, các trường bán trú được hỗ trợ, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp và trang bị thiết bị, đồ dùng dạy học, nhà ở, bếp ăn, công trình nước sạch, nhà vệ sinh… những chủ trương và chính sách thuyết phục ấy đã phần nào đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập và sinh hoạt cho thầy và trò. Mỗi tháng, một học sinh bán trú được hỗ trợ 460.000 đồng và 15kg gạo.
Cũng năm 2014, thầy Nguyễn Công Danh -Hiệu trưởng nhà trường, được sự phân công điều động của Ngành về đây nhận công tác, nhìn cảnh 325 học sinh bán trú vào thời điểm ấy ăn không đủ no khi chi phí hỗ trợ tính ra chỉ hơn 15 ngàn/ ngày, trong khi đó nguồn rau vừa đắt đỏ vừa phải đặt từ chợ Mường Xén cách đó khoảng 38km đường rừng, (có hôm, rau đưa vào đến trường thì đã đổi màu do tái dập). Sự trăn trở của vị hiệu trưởng ấy, đã thúc giục anh xin lãnh đạo xã và ban quản lí bản để thuê một rẻo đất để hoang bên kia suối để thầy trò cải tạo thành vườn. Mong một bữa cơm no ấm hơn cho những đứa trẻ nơi đây.
Heo được nuôi tại trường Nậm Típ.
Rẻo đất của mầm non...
Thầy Danh tiếp chuyện tôi bằng cái giọng trầm ngâm. Bên kia rẻo đất thầy bảo ấy là những mần non của hi vọng. Những luống rau được thầy trò đánh tơi đất, san phẳng lì, trồng đủ các loại rau, củ. Nhớ những ngày đầu nhận đất, thầy trò cùng nhau vượt suối, san đất thành một thửa bằng phẳng, hì hụi nhặt đá, cuốc đất, đánh luống để trồng rau. Không dùng bất cứ thứ thuốc hóa học nào ấy vậy mà mọi luống rau đều bén đất, xanh um và non mơn mởn. Cứ mỗi buổi chiều sau giờ học, thầy trò lại kéo nhau qua bên kia suối, người gánh những gàu nước ở khe suối chảy ra tưới cây, người nhổ cỏ, người làm tơi chỗ đất vừa thu hoạch rau xong... Nhìn cứ tưởng là cả một trang trại rau nào đó.
Kể cả viêc bón phân, thầy trò Nậm Típ lấy cây bớp bớp tươi, băm nhỏ ủ hoai làm phân xanh bón cho rau. Có khi tận dụng phân thải ra từ heo và gia cầm ủ và làm phân bón. Thầy Danh hóm hỉnh kể: “Mới đầu khi bón phân chuồng cho rau, lúc chế biến các em học sinh người Mông nhất quyết không ăn. Hỏi ra mới biết, ở nhà các em quan niệm phân là thứ rất bẩn, vậy mà ở đây lại đem bón cho rau để ăn. Sau này, phải giảng giải mãi, các em mới từ từ chấp nhận, nhưng cũng ít thay đổi thói quen. Chúng tôi phải dùng phân xanh ủ hoai để bón.”
Nhưng dăm chục luống rau, cũng không đủ nuôi lũ trẻ đang ở tuổi ăn tuổi lớn, thầy cô trường Nậm Típ lại xây chuồng nuôi heo, gà, ngan, vịt, làm ao nuôi cá và ếch... để bữa cơm của các em có thêm đủ chất.
Đến nay thầy cô trường Nậm Típ trồng được hơn 2500 mét vuông rau củ, nuôi được 40 con lợn, gần 130 cả gà ngan và vịt. tận dụng nguồn nước từ khe suối, thầy trò nuôi hơn 200 con cá trê và 250 con ếch. Tuần nào cũng thế, nhà bếp lại lên thực đơn, lấy những gì của “nhà làm ra” rau, thịt, trứng... nấu lên phục vụ các em học sinh và cán bộ công nhân viên trong nhà trường.
Vườn rau tới mùa thu hoạch.
Nậm Típ bây giờ không chỉ đơn giản là lớp học, là cái chữ, mà giờ đây các em còn được trang bị thêm những kĩ năng về trồng trọt và chăn nuôi... thật chẳng khác nào mô hình vườn - ao - chuồng trên miền biên viễn này. Ai cũng chỉ mong cuộc sống tự túc no đủ hơn chút để níu chân các em trên con đường tìm chữ gian nan này.
Thầy Danh trải lòng, "Mọi kinh phí đều trích từ quỹ hoạt động trường để cung cấp cho 273 học sinh bán trú và 20 cán bộ công nhân viên từ miền xuôi lên đây giảng dạy. Cuộc sống có ổn định hơn trước nhiều, có chỗ ăn chỗ ở đàng hoàng. Nhưng không phải là đã hết khó khăn, nếu nói khó khăn thì nhiều lắm, ở vùng núi đã là một thiệt thòi cho các em ở tuổi đến trường, đường đi lại khó khăn, dốc nẻo, xe cộ để đi đi về về với các em là điều rất hạn chế. Điện thì có rồi đấy, nhưng mạng Internet thì chưa đến nơi, việc tiếp cận thông tin là điều khó khăn vô cùng, phòng ốc để phục vụ các bộ môn và nhà thể chất cũng chưa đáp ứng được nhu cầu giảng dạy, vậy mà thầy trò vẫn cứ cố, vì biết đâu ngày mai sẽ tươi đẹp hơn với các em".
Buổi chiều chủ nhật, Nậm Típ im lìm bên con suối đương mùa nước lên, cái nắng chiều le lói chiếu lên những gương mặt thơ ngây đen thùi thũi của những đứa trẻ những vệt hi vọng cho một sớm mai nào đấy tươi sáng hơn.
Đâu đó có tiếng cười của bọn trẻ, tiếng cười như khúc vĩ thanh hay nhất của đời.