Trên bình diện châu Á thì U-23 Việt Nam vẫn được xem là đội tuyển yếu nhất giải. Tuy nhiên, phải thừa nhận với kiểu nội bộ VFF bất đồng và bất hòa ngay cả trong việc sử dụng HLV Miura thì ông khó lòng được gia hạn hợp đồng. Hàng loạt câu hỏi đặt ra là thầy nội sẽ ngồi vào hai ghế nóng đội tuyển quốc gia và U-23 quốc gia hay thầy ngoại?
Dưới con mắt các nhà chuyên môn Việt Nam hiện nay kể cả các cựu danh thủ của thế hệ vàng hay những tuyển thủ vừa treo giày thì họ không khó nhận ra trình độ của bóng đá Việt Nam còn khoảng cách rất xa khi đá vòng chung kết cấp châu lục.
Nếu như chọn HLV nội thì liệu ai là gương mặt sáng giá?
Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng, Nguyễn Văn Sỹ, Triệu Quang Hà, Trần Công Minh, Trần Minh Chiến hay Hoàng Anh Tuấn?
Người hâm mộ Việt Nam thì muốn thấy thành tích mà đôi lúc không biết mình đang ở đâu. Đó có thể là thứ áp lực mà nếu như cái tên HLV nội nào đó được cân nhắc thay HLV Miura thì họ sẽ nghĩ đến yếu tố này. Thậm chí thân bại danh liệt cũng vì ngồi vào ghế tuyển. Thay vì như vậy cứ làm CLB cho nó lành.
HLV Phan Thanh Hùng từng thân bại danh liệt qua AFF Cup 2012 khi đội tuyển bị loại ngay sau vòng bảng. Trong đó có cả quan chức VFF đăng đàn đòi “trảm” ông ngay tức khắc. Tương tự như thế là HLV Hoàng Văn Phúc cũng lên bờ xuống ruộng vì đã từng dũng cảm ra làm tuyển. Khi thắng vì tung hô nhưng thua thì họ cảm thấy cô đơn vô cùng, ngay cả những người đứng ra mời họ cũng quay lưng. Chắc chắn một điều nếu như HLV Miura ra đi, các thầy nội được gọi lên thì họ sẽ cân nhắc yếu tố này rất kỹ lưỡng trước khi nhảy vào lửa.
Và nếu như không có thầy nội nào chấp nhận thì lại phương án thầy ngoại. Và như thế bóng đá Việt Nam lại làm lại từ đầu và một triều đại thầy ngoại mới.
Cứ cái vòng luẩn quẩn này khi nào bóng đá Việt Nam thoát ra được?