Ông thầy người Hàn Quốc đã nhìn ra những khó khăn buộc ông phải đối diện và tìm ra phương án hợp lý nhất do gánh nặng nhiệm vụ “vừa xay lúa vừa bế em”. Ví như ở King’s Cup vừa qua, HLV Park Hang-seo đã không thể lo cho đội trẻ U-23 (đá giao hữu với U-23 Myanmar) vì bận nắm tuyển quốc gia nên rất hạn chế thông tin.
Cần biết ông Park đã nhận ba nhiệm vụ quan trọng còn lại của bản hợp đồng cũ là giúp đội tuyển quốc gia chơi tốt vòng loại thứ hai World Cup 2022 bắt đầu từ tháng 9, đưa tuyển U-22+2 vô địch SEA Games 30 cuối năm nay và lọt vào bán kết U-23 châu Á vào tháng 1-2020.
Để giải bài toán thiếu sâu sát với các học trò, ông Park đã nảy ra sáng kiến tập trung đội dự tuyển U-23 Việt Nam trong bảy đợt, mỗi đợt chỉ vỏn vẹn bốn ngày như một cách thử việc. Đây cũng là lần đầu tiên một thầy ngoại áp dụng phương pháp huấn luyện lạ lẫm trong thời điểm các giải vô địch quốc gia đang diễn ra.
1. Tập trung U-23 đợt 1, nhiều CLB không nhả quân do vào lượt về V-League. Ảnh: NGỌC DUNG 2. Nên thầy Park lại phải ngồi tính toán cho những mục tiêu dài hơi. Ảnh: CTV
Ông Park lý giải nghịch lý trên tuyển U-23 nhưng không có cách giải quyết khác: “Tôi triệu tập các cầu thủ ít được thi đấu ở CLB để giúp họ thích nghi nhanh hơn khi có mặt trên tuyển. Hơn nữa, ban huấn luyện muốn rút ngắn khoảng cách về trình độ của những cầu thủ trẻ so với đồng nghiệp đồng trang lứa nhưng đã thường xuyên có mặt ở đội tuyển quốc gia”.
Vì thế, thầy Park đã cho gọi nhiều cầu thủ chơi giải hạng Nhất (gồm 12 đội) không có nhiều cơ hội cọ xát, hoặc các tuyển thủ như Tiến Linh thiếu chỗ chơi ở B. Bình Dương.
Chính ông Park đã hơn một lần chỉ ra nghịch lý nhiều cầu thủ mặc dù khoác áo các đội tuyển quốc gia lại rất ít có cơ hội ra sân cọ xát như bóng đá Thái Lan. Cũng do thiếu kinh nghiệm và bản lĩnh trận mạc, ông Park gần như đã phải tận dụng tất cả cầu thủ đã từng khoác áo tuyển quốc gia đá cho đội U-23 như ở vòng loại châu Á khiến dễ xảy ra hiện tượng quá tải.
Trong thế buộc phải gắn bó hơn nữa với các học trò trẻ nếu thầy Park phải nắm tuyển quốc gia và muốn dạy kèm thêm cho họ, đội U-23 không có cách nào khác là trải qua các đợt tập huấn ngắn ngày. Rơi vào cửa khó, ông Park chấp nhận việc một số CLB không nhả cầu thủ lên tuyển. Chẳng hạn, Hà Nội có lý do chính đáng phải chơi nhiều mặt trận, phải giữ vững quân số, bất chấp một số cầu thủ thường ngồi ghế dự bị như thủ môn Bùi Tiến Dũng hay tiền vệ Thái Quý.
Có khoảng 10 cầu thủ không thể lên tuyển U-23 tập huấn bốn ngày vì phải ở lại phục vụ CLB và ông Park không thể làm gì bởi đấy là quyền lợi, nghĩa vụ của họ trong thời điểm đang đá giải.
Khó thầy, khó trò Trong hai tháng 7 và 8, HLV Park Hang-seo sẽ triệu tập cầu thủ U-23 theo từng giai đoạn ngắn để sàng lọc nhân tài và tạo không khí quen thuộc cho họ. Vào đầu tháng 9, ông thầy Hàn vào chiến dịch vòng loại thứ hai World Cup 2022 nên không thể sát cánh với đội U-23 mà giao quyền lại cho chợ lý Kim Han-yoon. Ông Park bật mí mình không muốn chọn cầu thủ lên tuyển mà bản thân không biết rõ, không trực tiếp huấn luyện là một thiếu sót lớn. Đấy chính là nguyên nhân khiến ông kéo giãn các đợt gom quân để thuộc lòng cầu thủ của mình hơn. Duy có điều, cầu thủ dù khao khát lên tuyển để mong tìm một suất chơi SEA Games 30 cũng rất khó phân bổ sức khỏe sao cho hợp lý nhất vì các giải đấu vẫn đang diễn ra. Cơ hội cho họ chiếm chỗ chơi ở CLB sẽ nhỏ đi. Phải đến tháng 10 khi các giải đấu đã hoàn tất, thầy Park mới triệu tập 30 cầu thủ mà ông cho là giỏi nhất đi vào chiến dịch huấn luyện kéo dài trong năm tuần vì mục tiêu vàng SEA Games 30. |