Trên toàn nước Pháp có 3,7 triệu người tham gia tuần hành gồm từ 1,2 đến 1,6 triệu người ở Paris và 2,5 triệu người ở các tỉnh. Các cuộc tuần hành trước đó đã quy tụ 1,4 triệu người tham gia.
Để bày tỏ tình đoàn kết với Pháp, nhiều cuộc tuần hành cũng được tổ chức trên thế giới trong ngày 11-1. Báo Le Figaro (Pháp) ghi nhận châu Âu là nơi tập trung người tuần hành đông đảo nhất. Tại Brussels (Bỉ), 20.000 người xuống đường với khẩu hiệu “Chung tay chống hằn thù”.
Tuần hành ở Milan (Ý). Ảnh: AFP
Tại Anh, 3.000 người tập trung tại quảng trường Trafalgar ở London. Họ cầm theo các tấm biển ghi “Chúng tôi là Charlie”, “Tôi là người Do Thái”. Chiều xuống, mặt tiền Bảo tàng quốc gia, các đài nước ở quảng trường Trafalgar và cầu Tower Bridge được trang trí đèn mang màu cờ Pháp.
Tại Vienna (Áo), 12.000 người xuống đường theo lời kêu gọi của chính phủ và các cộng đồng tôn giáo. Tại Đức, bất chấp thời tiết giá lạnh, 18.000 người tập trung trước đại sứ quán Pháp ở Berlin. Họ mang tấm biển ghi “Berlin ist Charlie” (“Berlin là Charlie”), “Vượt qua khủng bố”. Một số cầm theo biếm họa tiên tri Muhammad.
Tại Tây Ban Nha, hàng trăm người tập trung ở quảng trường Puerta del Sol tại Madrid. Họ dành thời gian mặc niệm các nạn nhân bị sát hại ở Pháp, hát quốc ca Pháp rồi tập hợp trước nhà ga Atocha. Tại đây, ngày 11-3-2004 bọn Hồi giáo cực đoan đã đặt bom trên tàu điện làm 191 người chết.
Tại Thụy Điển, 3.000 người ở Stockholm tuần hành bất chấp trời lạnh dưới 0 độ. Tại Hy Lạp, 500 người tập trung trước Quốc hội ở Athens và 1.000 người tuần hành ở Thessalonica. Tuần hành cũng được tổ chức ở Genève và Lausanne (Thụy Sĩ), Luxembourg, Rome và Milan (Ý).
Tại Washington, DC (Mỹ), đại sứ Pháp Gérard Araud cầm tấm biển ghi “Chúng ta là Charlie” dẫn đầu đoàn người tuần hành. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cùng tham gia. Tuần hành cũng được tổ chức ở nhiều nơi khác.