Thế nào là phạm nhân người nước ngoài?

Ngày 3-10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý dự thảo sửa đổi Luật Thi hành án hình sự (THAHS). Bà Văn Thị Bạch Tuyết (Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) khẳng định hiện nay việc sửa đổi, bổ sung Luật THAHS là cần thiết. Hội thảo này đã bổ sung làm rõ và góp ý được nhiều vấn đề mà dự thảo đưa ra.

Cần tách bạch rõ

Đại diện VKSND TP.HCM có ý kiến về nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan THADS công an cấp tỉnh mà dự thảo luật nêu trong việc tha tù trước thời hạn có điều kiện. Trước đây, cơ quan THAHS công an cấp tỉnh đề nghị tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định tạm đình chỉ hoặc giảm thời hạn việc chấp hành án phạt tù.

Nay tại khoản 3 Điều 13 dự thảo luật bổ sung thêm cơ quan THAHS công an cấp tỉnh có quyền đề nghị tòa án có thẩm quyền xem xét tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với phạm nhân, rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Việc bổ sung thẩm quyền như trên là phù hợp. Nhưng việc rút ngắn thời gian thử thách đối với án treo đang thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện theo Nghị quyết 02/2018 của HĐTP-TAND Tối cao (hướng dẫn Điều 65 BLHS về án treo) nên dự thảo cần điều chỉnh cho phù hợp với BLHS.

Đại diện VKSND TP cũng cho rằng dự thảo đã sửa đổi, bổ sung về việc truy nã và tổ chức truy bắt người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ, tha tù trước thời hạn có điều kiện bỏ trốn. Nhưng lại không quy định trình tự, thủ tục, giải quyết truy nã khi họ bỏ trốn dẫn đến việc quy định không phù hợp và khó thực hiện. Vì thế đề nghị chỉnh sửa theo hướng quy định cụ thể nghĩa vụ, nếu họ bỏ trốn thì những cơ quan nào có trách nhiệm lập thủ tục hồ sơ đề nghị truy nã, truy bắt và đề nghị tòa án giải quyết hậu quả của việc bỏ trốn là phải buộc họ chấp hành án phạt tù…

Ông Trần Quốc Tú (đứng), Phó Trưởng phòng Kiểm tra văn bản,  Sở Tư pháp TP.HCM, đang phát biểu. Ảnh: KP

Theo ông Trần Quốc Tú (Phó phòng Kiểm tra văn bản, Sở Tư pháp TP.HCM), nên cân nhắc khái niệm “phạm nhân là người nước ngoài” tại khoản 3 Điều 1 dự thảo luật cho tương thích với quy định của Luật Quốc tịch năm 2008.

Theo đó, người nước ngoài theo Luật Quốc tịch được xác định là người có quốc tịch nước ngoài. Nếu quy định như dự thảo vô hình trung sẽ gây khó khăn khi thực hiện thủ tục xác nhận khi thăm gặp phạm nhân là người nước ngoài và thủ tục nhận tử thi, tro cốt và hài cốt của người bị tử hình. Do đó, cơ quan soạn thảo cần rà soát quy định về thủ tục liên quan đến yếu tố nước ngoài theo hướng có nhóm thủ tục riêng cho người không quốc tịch hoặc không xác định được quốc tịch. Không nên gộp chung các đối tượng này vào nhóm phạm nhân là người nước ngoài.

Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng theo dự thảo thì phạm nhân là người nước ngoài là phạm nhân không có quốc tịch Việt Nam, gồm phạm nhân có quốc tịch nước ngoài và phạm nhân không có quốc tịch. Như vậy, cần tách bạch riêng biệt hai loại này để dễ áp dụng.

Xem lại quy định “người đồng tính”

Ông Trần Quốc Tú cũng đề nghị cân nhắc khái niệm “người chưa xác định giới tính”, “người đồng tính” cho tương thích với quy định hiện hành để việc xác định được thống nhất.

Theo đó, Sở Tư pháp TP đã rà soát quy định, nhận thấy chưa có quy định nào về người chưa xác định giới tính mà chỉ có thuật ngữ “giới tính chưa được định hình chính xác”. Theo quy định của pháp luật về hộ tịch, giới tính của một người (hoặc một công dân) luôn được nêu cụ thể là nam hoặc nữ trong quá trình đăng ký khai sinh theo điểm a khoản 1 Điều 14 Luật Hộ tịch năm 2014. Cá nhân có quyền xác định lại giới tính theo trình tự thủ tục do luật định.

Đối với thuật ngữ “người đồng tính” thì hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào xác định là người đồng tính mà chỉ có đề cập đến hôn nhân giữa những người cùng giới tính theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.

Cũng theo ông Tú, cơ quan soạn thảo nên rà soát quy định cụ thể hơn về các nguyên tắc bảo vệ quyền của phạm nhân. Cần quy định nghiêm cấm xâm hại phạm nhân (nhất là đối với phụ nữ, trẻ em) để ngăn ngừa nguy cơ xâm hại từ các phạm nhân khác cũng như những đối tượng khác. Nghiên cứu thêm các điều khoản về thủ tục hiến mô, bộ phận cơ thể người khi phạm nhân có nguyện vọng hiến theo quy định của luật việc hiến, lấy, ghép, mô…

Tại TP.HCM, tính đến ngày 20-9-2018, số người phải THAHS là 2.919. Trong đó, án tử hình là 114, án tù chung thân là ba, án tù có thời hạn là 146, án treo là 1.820, cải tạo không giam giữ là 35, quản chế là 13, áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh là 8, hoãn THA là 237, tạm đình chỉ THA là 55, bỏ trốn và đã truy nã là 488.

(Trích số liệu báo cáo của VKSND TP.HCM) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm