Cầu thủ không đá bóng thì làm gì?

Sau chức vô địch AFF Cup 2008, các tuyển thủ quốc gia một tấc lên trời với những cái giá chuyển nhượng cao ngất ngưởng. Nó nằm trong thời điểm nhà nhà nhảy vào làm bóng đá nhằm tranh thủ xin đất, xin dự án nên các ông bầu không ngần ngại vung tiền tỉ mua cầu thủ lấy tiếng và giải ngân hoặc rửa tiền.

Đấy cũng là lúc hàng loạt đội bóng mới mua suất bán phần ra đời như Thanh Hóa mua xác Thể Công, NaviBank SG chuyển hộ khẩu cho Quân khu 4, bầu Thụy mua đội hạng nhất rồi đưa vào Nam lấy tên Sài Gòn XT, bầu Hiển chi tiền ra nuôi luôn hai đội SHB Đà Nẵng, Hà Nội T&T và tương tự là bầu Kiên có hai đội bóng Hà Nội,…

Thế mà chỉ trong vài tháng, khi bong bóng nền kinh tế vỡ thì cũng là lúc hàng loạt đội bóng xóa sổ hoặc chuyển giao vì không còn tiền nuôi cầu thủ. Quả bóng mùa giải mới buộc phải hoãn thêm hai tháng và với hơn 200 cầu thủ không còn chốn dung thân.

Một trong hơn 10 cầu thủ Khánh Hòa không có trong kế hoạch ra Hải Phòng buộc phải về nhà đã nhắn tin cho chúng tôi: “Em vừa nhận bồi thường hợp đồng và hỗ trợ thất nghiệp 30 triệu đồng, giờ về nhà nghỉ ngơi chờ qua tết… tính sau”. Những cái dấu chấm lửng chẳng khác gì một dấu hỏi lớn cho tương lai rất khó có lời giải thỏa đáng. Bởi rất nhiều cầu thủ chợt giật mình nhìn lại hành trang vào đời của mình chỉ biết banh bóng trong khi cái nền kiến thức bổ trợ khác rất hạn chế, nếu không muốn nói là trống rỗng.

Cầu thủ không đá bóng thì làm gì? ảnh 1

Công Vinh (trái), Quang Hải (giữa) trong một lần rảnh rỗi ra Nha Trang thư giãn cùng bạn bè. Giờ thì cả hai cùng thất nghiệp. Ảnh: T.HẢI

Cầu thủ không đá bóng thì làm gì? ảnh 2

Công Vinh từ một trung phong số một nay vất vả đi tìm việc. Ảnh: XUÂN HUY

Đến cả các tuyển thủ quốc gia còn khó tìm đội chơi huống hồ cầu thủ chưa tên tuổi. Sài Gòn XT ra quân rầm rộ nhưng đến giờ vẫn không tìm ra ít nhất 40 tỉ đồng đã rao bán hàng loạt tuyển thủ. Như Việt Cường mới cách đây ba tháng còn cao ngạo nhắn tin xin nghỉ hai trận giao hữu trên đội tuyển bởi suy nghĩ không ai có thể thay thế mình ở hành lang phải. Thế rồi bây giờ đội đã không cần anh và cũng không ai mua anh. Tương tự, Quang Hải muốn rời đội phải trả một năm hợp đồng 3 tỉ đồng (giảm 500 triệu đồng) vẫn ế chỏng chơ.

Cỡ như “cậu bé vàng” Văn Quyến ngày nào mới 28 tuổi đang độ chín về tài năng mà giờ đây phải vác đơn xin việc từ V-League xuống hạng nhất.

Đỡ hơn rất nhiều là Công Vinh có mác tuyển thủ lẫn cái bằng tốt nghiệp tú tài nên còn cửa xin tuyển vào ĐH Từ Sơn. Dù vẫn là một chân sút có “số má” nhưng Công Vinh vẫn có nguy cơ thất nghiệp. Đây là trường hợp may mắn gần như duy nhất trong giới cầu thủ khi Công Vinh đã kịp “lót ổ” cho mình cơ ngơi bất động sản từ Hà Nội, Sài Gòn, Vinh xuống cả căn nhà 5 tỉ đồng với cô vợ Thủy Tiên ở Kiên Giang.

Cầu thủ của hai đội Lâm Đồng và Bà Rịa-Vũng Tàu bỗng dưng thất nghiệp đã buộc phải đi làm đủ thứ nghề phụ giúp gia đình như trồng tiêu, điều, cà phê, bán rau, hay như Mạnh Tú của Khánh Hòa phụ vợ bán bánh cuốn ở quận 7, tuyển thủ Minh Chuyên về quê phụ cậu ruột mua bán phụ tùng xe hơi…

Rất nhiều cầu thủ quen xài sang khi túi tiền còn rủng rỉnh, giờ giật mình nhìn lại chỉ còn hai bàn tay trắng suy cho cùng chỉ là nạn nhân của một thời kỳ làm bóng đá cẩu thả và bạo phát bạo tàn từ các nhà hoạch định lẫn phần lớn ông bầu chụp giựt.

Rất dễ dàng nhìn ra các cầu thủ mới xong giải 2012 giờ mất việc phải xin tập ké các đội hoặc ra sân phong trào đá cho đỡ ngứa nghề. Trước đây, cầu thủ giàu chuyên môn khi giải nghệ còn tha thiết học nghề huấn luyện và được tạo điều kiện đi học hoặc cầu thủ chưa nổi tiếng thì xin vào làm bảo vệ, nhân viên các công ty lớn có “sếp” mê bóng đá chỉ để đi đá bóng. Bây giờ thì tình trạng này rất hiếm xảy ra khi có quá nhiều công ty phá sản hoặc giảm biên chế, còn lại không phải ai cũng đủ sức lẫn trình độ học lớp HLV trong lúc có quá nhiều người muốn bỏ bóng đá.

CÔNG TUẤN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm