Hãy trả bóng đá về đúng giá trị của nó

Từ khi có tiền, bóng đá Việt Nam sôi động hơn, nhiều cầu thủ ngoại tìm đến giúp nâng cao chất lượng các trận đấu. Nhưng mặt trái của nó là kìm hãm sự phát triển chứ không phải giúp cho bóng đá Việt Nam tăng tính cạnh tranh và nhờ đó phát triển hơn. Các CLB thuê cầu thủ nước ngoài đắt tiền nên thường cố gắng khai thác tối đa năng lực của các cầu thủ ngoại, đồng nghĩa với việc thu hẹp cơ hội cho các cầu thủ trong nước. Thậm chí, các CLB còn tìm cách nhập quốc tịch cho cầu thủ ngoại để tăng “cầu thủ ngoại” trong đội hình của mình.

Khi tập trung tiền cho thành tích trước mắt, khâu đào tạo trẻ đương nhiên bị lãng quên hoặc ít chú trọng. Thực tế cho thấy nếu có nhiều tiền thì kể cả không cần có hệ thống đào tạo trẻ, một CLB vẫn có thể vô địch nếu muốn. LĐBĐVN cần hướng đến sự phát triển lâu dài một cách thực chất cho bóng đá Việt Nam, hãy chú trọng đến chiến lược và tìm cách giúp cho bóng đá Việt Nam phát triển.

* * *

Ở Việt Nam, rất nhiều trường hợp người ta làm bóng đá không hẳn là kinh doanh bóng đá mà là lấy bóng đá để làm thương hiệu hoặc để thu được những quyền lợi khác. Đó cũng là một trong những lý do mà có những CLB “đầu tư” rất nhiều tiền để đội bóng có thành tích rồi sau đó buông dần và chuyển giao hoặc giải thể.

Hãy trả bóng đá về đúng giá trị của nó ảnh 1

Không thể gọi là bóng đá chuyên nghiệp khi tiền đổ rất nhiều nhưng khán đài thì trống trơn và còn thua cả bóng đá phong trào. Ảnh: XUÂN HUY

Một yếu tố khác không thể không nhắc đến là bộ máy điều hành của LĐBĐVN. Kém năng lực, thiếu trách nhiệm và cả nể (hay sợ hãi) là những đặc điểm nổi bật của các vị nắm trọng trách điều hành Liên đoàn. Cũng không loại trừ yếu tố “lợi ích cá nhân” chi phối đường lối hoạt động và cách điều hành của Liên đoàn.

* * *

Thật kỳ lạ khi một đội có nguy cơ rớt hạng và rồi sau đó trụ hạng thành công lại nhận được nhiều tiền hơn đội đoạt chức vô địch! Nhiều cầu thủ Việt Nam được trả tiền “lót tay”, tiền chuyển nhượng, lương, thưởng rất cao nhưng liệu những đóng góp và khả năng của họ có xứng đáng được nhận nhiều như vậy không. Tôi không cho rằng cầu thủ Việt Nam nhận được nhiều tỉ đồng tiền “lót tay” và tiền lương tháng đến mấy chục triệu là hợp lý. Hãy xem họ làm được gì và CLB có nguồn thu chính đáng đủ để trả cho cầu thủ nhiều như vậy không.

* * *

Bóng đá, bản thân nó phải tạo ra lợi nhuận. Những nguồn thu chính giúp tạo nên lợi nhuận của một CLB là tiền bán vé, bản quyền truyền hình, quảng cáo, chuyển nhượng cầu thủ, tiền bán đồ lưu niệm… chứ không phải là nguồn tiền do các ông chủ bỏ ra theo cảm hứng hoặc những mục đích nào đó. Các cầu thủ cần được hưởng lương theo năng lực và được thưởng nhiều hay ít tùy thuộc vào lợi nhuận mà CLB thu được.

Bản thân bóng đá phải tự tạo ra lợi nhuận. Được như thế mới có thể gọi là bóng đá chuyên nghiệp. Hãy trả bóng đá về đúng giá trị của bóng đá. Thành quả được hưởng phải thu được từ sự ghi nhận của xã hội phản ánh qua những nguồn thu chủ yếu như đã nêu ở trên. Có như vậy mới mong bóng đá Việt Nam phát triển được.

PHAN HỮU HIẾU, Hội Cổ động viên SL Nghệ An

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm