Lính đá bóng!

Ông Hải đến giờ vẫn trân trọng với chiếc áo Thể Công ông khoác trên người qua nhiều thời kỳ.

Nhắc đến Thể Công lại nhớ đến thế hệ Mạnh Cường, Đinh Thế Nam, Sỹ Long, Thanh Hải, Đặng Dũng, Xuân Lý, Hồng Sơn... năm 1994 trước trận gặp “ngựa ô” Bình Định đang được xem là ứng viên vô địch. Trận đấu đấy trưởng đoàn Nguyễn Sỹ Hiển chỉ đạo với chỉ một câu ngắn ngọn: “Hôm nay ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, chú chỉ mong các cháu ra sân và làm sao để người Sài Gòn nói rằng các cháu là những chiến sĩ biết đá bóng”. Trận đấu đấy các cầu thủ Thể Công ra sân trong tư thế kèo dưới thế nhưng đã quật khởi và ghi đến bốn bàn thắng rồi loại luôn Bình Định đang là ứng viên vô địch.

Nói đến các anh lính đá bóng, cựu danh thủ Nguyễn Văn Vinh từng kể lại thời chiến tranh vừa đá bóng phải vừa tham gia mặt trận. Ông kể có những ngày miền Bắc bị ném bom, ông và các đồng đội của mình phải đi giúp dân tránh bom, phải đi ôm từng xác người, đi nhặt từng phần thân thể của người dân của các đồng đội bị bom đạn dội xuống. Ông Vinh kể trong nước mắt khi nhớ đến những tháng ngày mà các anh lính đá bóng phải gác lại chuyện banh bóng để chống chọi với cái chết bên miệng hố bom...

Mới đây, trước trận lượt về AFF Cup 2016 trên sân Mỹ Đình, người xem lại thấy một Hồng Sơn ngày nào kêu gọi các cầu thủ đàn em hãy thi đấu với một tinh thần bất khuất như thế hệ mình ngày nào. Và rồi mọi người lại nhớ đến kiểu chào nhà binh đi vào lịch sử khi Hồng Sơn đốt lưới Indonesia đưa Việt Nam vào chung kết SEA Games 1999.

Đó là lý do vì sao đến giờ dù đội bóng Thể Công không còn nữa nhưng nhiều người vẫn say đắm với hai chữ Thể Công gắn với các chiến công hiển hách của các anh lính đá bóng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm