Thế khó của thầy Park!

Các tuyển thủ trẻ U-23 Việt Nam (VN) vừa có trận mở màn vòng loại U-23 châu Á rất khó khăn vượt qua đồng nghiệp Đài Loan chủ yếu là sinh viên và công nhân. Mặt sân Dolon Omurzakov ở Kyrgyzstan loang lổ xấu xí là chuyện chung của cả hai đội không thể đổ thừa, như ông Park nói là khó mình, khó người. Vấn đề của đội U-23 VN khi đá với đội kèo dưới rất xa mình, dù gây nhiều áp lực nhưng bàn thắng vẫn hiếm muộn, bên cạnh sự vận hành lối chơi còn cập rập.

Ông thầy người Hàn Quốc lần đầu tiên lên tiếng “hơi thất vọng” về các học trò, dù mục tiêu 3 điểm đã hoàn thành. Tuy nhiên, ai cũng thấy sức mạnh của U-23 VN chưa tương xứng với tiềm năng và tiếng tăm lẫn sự đầu tư lớn trong suốt quá trình bảy lần hội quân “đãi cát tìm vàng”.

HLV Park Hang-seo dặn dò và điều chỉnh cho các cầu thủ U-23 Việt Nam.
Ảnh: VFF

Rõ ràng dù muốn dù không, người ta vẫn có quyền nhìn nhận sự tiến bộ của lứa kế thừa bây giờ so với lớp đàn anh từng hai lần dễ dàng giành vé vào chơi vòng chung kết U-23 châu Á và từng lên ngôi á quân mùa 2018.

Thầy Park thừa nhận mình cùng các học trò chịu áp lực về phép so sánh đó nhưng cũng khó trách ông vì điều kiện và hoàn cảnh của những thế hệ khác xa nhau. Ví như lứa Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Quang Hải… nòng cốt của năm 2018 có đến ba mùa chinh chiến thực sự tại V-League và hàng loạt giải quốc tế U-19 đã rất dày dạn kinh nghiệm trận mạc. Nhóm của Tiến Linh, Hà Đức Chinh, Thành Chung… sau đó cũng từng trải ở giải quốc nội, tham gia đấu trường châu Á U-19, chơi cả vòng chung kết thế giới U-20, chắc chắn tích lũy bản lĩnh cao hơn.

Còn hiện tại, hầu hết tuyển thủ U-23 VN mài mòn đũng quần dự bị ở CLB hoặc có quá ít chiếm suất chơi chính. Cầu thủ chơi năng nổ và hiệu quả nhất trong trận thắng khó U-23 Đài Loan là hậu vệ biên trái Lê Văn Xuân nếu có Văn Hậu không bị chấn thương cũng chỉ là siêu dự bị. Nói thế không phải chê trách gì lứa trẻ này, mà đơn giản họ không có nhiều cơ hội và điều kiện thi đấu nhiều như đàn anh. Chưa kể hơn một năm qua, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến đời sống bóng đá khiến họ chơi trong nước đã khó, càng không có giải đấu quốc tế nào.

Hơn hai năm trước, sau thành công vang dội ở vòng chung kết U-23 châu Á, ông Park đã nhìn ra khoảng trống mênh mông phía sau đội tuyển trẻ. Ông nói thẳng ái ngại về việc quá hiếm hoi những tuyển thủ U-23 có cửa ra sân chơi V-League, nơi chỉ dành cho các cầu thủ đã có kinh nghiệm và phụ thuộc ngoại binh.

Cách nhìn nhận “hơi thất vọng” của thầy Park với đội tuyển U-23 VN ở trận khai cuộc vòng loại U-23 châu Á đáng để cho người trong cuộc suy ngẫm nhiều hơn về một thế hệ tương lai trụ cột của bóng đá quốc gia.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm