U-22 Việt Nam và chiến dịch vàng SEA Games 29

Các đội tuyển quốc gia có rất nhiều nhiệm vụ lớn trong năm 2017 nhưng chỉ tiêu vừa sức và gần gũi nhất vẫn là chiếc HCV SEA Games của đội U-22. Nói cho ngay thì đấy cũng là trọng tâm lớn nhất của VFF chứ không phải là đội tuyển U-20 Việt Nam (VN) phải có thành tích ở đấu trường U-20 World Cup. Các sân chơi vòng loại U-23 châu Á hay Asian Games cũng đều lấy làm nơi tập dượt cho đội tuyển U-22 VN hướng đến cái đích SEA Games.

Chính vì thế, thầy trò HLV Hữu Thắng đã hội quân rất sớm cho chiến dịch săn vàng SEA Games 29 trên đất Malaysia mà như Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức nói là không vô địch thì Thường trực VFF nên nghỉ hết, cho người khác làm.

VFF chỉ giao cho đội tuyển U-22 VN cố gắng lọt đến trận chung kết nhưng người trong cuộc thừa hiểu thất bại là mất trắng. Giấc mơ vàng SEA Games của bóng đá VN đã trôi qua gần 60 năm rồi, từ thời thế hệ cha ông đăng quang SEA Games 1959. Đến lần hội nhập trở lại sân chơi Đông Nam Á năm 1991 và đến năm 1995 thì gặt được chức á quân SEA Games. Từ đó đằng đẵng đến năm 2009, khi chức vô địch SEA Games rất gần do tránh được Thái Lan thì chung kết lại thua Malaysia trên đất Lào và đến nay vẫn mòn mỏi chờ đợi.

Văn Toàn đang được xem là tiền đạo sáng giá của U-22 Việt Nam cùng giấc mơ vàng SEA Games. Ảnh: QUANG THẮNG

Mộng vàng SEA Games của đội tuyển U-22 VN thực tế đã khởi động từ cách đây hơn hai năm. Khi lứa cầu thủ trẻ của HA Gia Lai gây sốt làng bóng khi còn khoác áo U-19. Mong mỏi của cá nhân bầu Đức cách đây 10 năm khi cho ra đời Học viện HA Gia Lai - Arsenal JMG không ngoài mục đích chờ đợi lứa Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng, Văn Toàn… cùng nhiều cầu thủ giỏi khác một lần đoạt vàng Đông Nam Á.

2017 cũng là năm cuối cùng mà lứa cầu thủ trẻ tài năng này có thể cất lên tiếng nói của mình ở SEA Games mà cả làng bóng mong chờ sau rất nhiều kỳ vọng suốt 20 năm qua rồi thất vọng não nề.

Có thể nói chiếc HCV SEA Games là canh bạc lớn nhất của VFF tiếp nối thành công của các lứa trẻ hơn như U-16, U-19 gây tiếng vang ở những giải Đông Nam Á, châu Á nhưng chưa từng thỏa mãn với lứa U-22. Nó cũng là đất diễn có tính chất được ăn cả, ngã về không của HLV Hữu Thắng sau lần cùng đội tuyển quốc gia dừng chân ở bán kết AFF Cup 2016 trong tiếc nuối như một thất bại.

Chức vô địch SEA Games 29 vào tháng 8 tới trên đất Malaysia sẽ cứu vãn rất nhiều cho bóng đá VN và tất nhiên là không dễ khi nhiều quốc gia cũng đang đầu tư rất mạnh cho chiến dịch vàng SEA Games.

Khi U-22 quá chật chội với những cầu thủ kỹ thuật hay rê dắt

U-22 VN đang tập trung tại TP.HCM để chuẩn bị cho trận giao hữu gặp U-22 Malaysia. Nhìn vào các gương mặt tiền đạo và tiền vệ thì hầu hết đều là những cầu thủ thích rê dắt khi có bóng. Không khó để kể ra những tiền đạo và tiền vệ hay rê dắt như Hồ Tuấn Tài, Công Phượng, Văn Toàn, Quang Hải, Hồng Duy, Đức Huy.

Một gương mặt trông chờ kiểu càn lướt giỏi, tì đè giỏi, ghi bàn kiểu một chạm, tận dụng cơ hội nhanh, cụ thể như Hà Đức Chinh thì ngày 5-2 mới có mặt.

Hà Đức Chinh vốn là át bài của HLV Hoàng Anh Tuấn trong chiến dịch lấy suất World Cup tại vòng chung kết U-19 châu Á năm ngoái tại Bahrian. Đức Chinh ngoài việc ghi bàn thì còn giỏi “làm tường” trước các hàng phòng ngự cao to và khỏe của nhiều đội châu Á. Hoặc ít ra sự hiện diện của Đức Chinh ở hàng công khiến cho hàng phòng ngự đối phương không thể bỏ sổng và phải cắt cử người đeo bám.

Đá với U-22 Malaysia, một tập thể có thể hình cao to, một mẫu trung phong như Đức Chinh là rất quan trọng để thể hiện các phẩm chất của mình. Hy vọng có mặt muộn nhưng Hà Đức Chinh vẫn hòa nhập kịp cùng U-22 và tô điểm cho thành phần tiền đạo, tiền vệ chật chội các cầu thủ hay rê dắt.

TẤN PHƯỚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm