Vấn đề của bóng đá Việt Nam: Ai dẹp loạn giải VĐQG?

Giải loạn đừng nên vội đổ cho nhà điều hành mới VPF mà hãy nhìn hết mọi vấn đề và tìm ra nguyên nhân. Tuy nhiên, ai dẹp loạn mới là vấn đề đáng quan tâm.

Thực trạng trên các sân…

Hình ảnh ông bầu Nguyễn Đức Thụy của CLB Sài Gòn FC nhảy vào trong khu vực kỹ thuật sau trận đấu phản ứng tổ trọng tài Đinh Văn Dũng với sắc mặt rất phản cảm đã nói lên giải vô địch đang… loạn và sân bóng đôi khi bị biến thành cái chợ để ai cũng có quyền phản ứng và nhảy vào sân.

Chưa cần biết trọng tài đúng hay sai nhưng cách phản ứng thái quá của bầu Thụy là vi phạm nghiêm trọng nội quy và điều lệ giải.

Cúp Quốc gia, sân Thống Nhất từng xảy ra cảnh cầu thủ đôi co nhau thì ông giám đốc điều hành lao vào và đội khách cũng lao vào rồi loạn cả lên trong khi trước đó trọng tài đang kiểm soát tốt trận đấu.

Vấn đề của bóng đá Việt Nam: Ai dẹp loạn giải VĐQG? ảnh 1

Bầu Thụy với thái độ hung hăng mạt sát tổ trọng tài và ban tổ chức giải trong khi cầu thủ của ông trong sân lại mềm mỏng hơn. Ảnh: XUÂN HUY - CTV

Việc một ông bầu lao vào sân phản ứng như bầu Thụy sẽ rất nguy hiểm và làm khó cho công tác điều hành giải. Tuy nhiên, hiện nay các quy định và quy chế giải đấu năm 2012 vẫn chưa được thông qua thì lấy đâu là cơ sở để xử phạt cách phản ứng vô tổ chức này?

Trước đây, tại mùa giải 2007, Trưởng đoàn HA Gia Lai Huỳnh Ngọc Định cũng với cách phản ứng thiếu chuyên nghiệp như thế và đã bị “trảm” ngay.

Sau ba vòng đấu giải Vô địch quốc gia, Tổng cục TDTT, LĐBĐ VN và Bộ VH-TT&DL đã ra các quyết định nhằm chấn chỉnh giải đấu an toàn hơn, chất lượng hơn, ngăn chặn nạn bạo lực nhưng điều này không có dấu hiệu giảm đi mà ngược lại, biến tướng sang hình thức khác. Nguy hiểm nhất là phản ứng của người đứng đầu CLB rất dễ làm mồi lửa cho những phản ứng tiếp theo mà có thể làm ảnh hưởng lớn đến công tác an ninh của giải.

… Đến những ông bầu

Ngày chuẩn bị ra đời VPF, bầu Kiên tuyên bố soạn đề án bóng đá chuyên nghiệp trong… vòng 2 tiếng đồng hồ. Nghe thật khôi hài bởi các nền bóng đá chuyên nghiệp điển hình như Nhật khi chuẩn bị lên chuyên nghiệp, họ mời những giáo sư, tiến sĩ giỏi của Đức đến nghiên cứu nhiều năm từ con người, xã hội, văn hóa, sở thích… rồi mới viết nên đề án.

Điều đáng nói là ngay cả những ông bầu từ cấp lãnh đạo VPF cho đến cấp CLB đều là dân kinh doanh thuần túy và mạnh ở những “con số” nhưng để điều hành một giải đấu thì cần phải có sự trợ giúp nhiều mặt về chuyên môn nằm ngoài “con số”.

Ở cấp CLB thì những ông bầu tay ngang can thiệp trắng trợn trên sân ảnh hưởng rất xấu đến hình ảnh giải. Điển hình các bầu đổ tiền mua cầu thủ ngoại, “bắt” cầu thủ ở các địa phương và phá giá nhau trong khi phần chính là đào tạo trẻ thì nhiều ông bầu bỏ mặc.

Nhiều ông bầu một, hai mùa đổ tiền và thành công, thế là cho rằng họ biết làm bóng đá chuyên nghiệp và cứ lấy “sách vung tiền” đè luôn cả “sách giáo khoa bóng đá”.

Giải vô địch quốc gia đang diễn ra với nhiều nỗi lo từ công tác điều hành, từ cách làm bóng đá của các CLB, từ áp lực của những người bỏ tiền. Đó là chưa kể đến giờ vẫn “cãi nhau” vì cái tên và “đánh nhau” vì quyền hành và quyền lợi.

Bất chấp còi đã tuýt từ Tổng cục TDTT nhưng giải vẫn chưa có dấu hiệu đi vào quỹ đạo tốt và câu nói của HLV Vương Tiến Dũng: “Không khéo thì giải “vỡ” mất!” hoàn toàn có khả năng xảy ra.

TẤN PHƯỚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm