Xây dựng bóng đá chuyên nghiệp ở VN: Lộn xộn vì thiếu luật

Điều này có nghĩa nó dần tiệm cận với những vấn đề mang tính pháp lý thuộc hệ thống luật chung của một quốc gia.

Sang năm thứ 12 làm bóng đá chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam chưa có những lần nâng cấp từ bộ máy điều hành cho đến những văn bản được chuẩn hóa về luật.

Nguyên HLV phó đội tuyển Việt Nam Vũ Tiến Thành từng góp ý cho Hội thảo chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến 2020 và tầm nhìn 2030 nói rõ: “Việc tranh giành thương quyền truyền hình thời gian qua là hậu quả của việc không nâng cấp và “luật hóa” những vấn đề trong bóng đá. Hay chuyện cầu thủ, CLB… đi đêm để thực hiện những phi vụ chuyển nhượng sai trái mà không bắt bẻ được cũng vì ta làm chuyên nghiệp mà thiếu luật cụ thể”.

Ông Thành cho rằng thời gian qua việc nổ ra cuộc chiến thương quyền là một điều cần thiết để qua đó các bên liên quan cảm thấy sự lạc hậu và ngồi lại với nhau để hoàn thiện luật và hiện đại hóa lại nền bóng đá chuyên nghiệp vốn rất cần thiết cho một nền bóng đá quốc gia cần phát triển.

Xây dựng bóng đá chuyên nghiệp ở VN: Lộn xộn vì thiếu luật ảnh 1

Xây dựng bóng đá chuyên nghiệp ở VN: Lộn xộn vì thiếu luật ảnh 2

VPF “đấu” LĐBĐ VN có phải vì bóng đá Việt Nam thực sự hay còn ẩn đằng sau đó là cuộc chiến của giới truyền thông? Ảnh: XUÂN HUY

Điển hình cho sự hoàn thiện cần thiết về hệ thống luật chung với bóng đá qua những vụ kiện tụng thời gian gia của cầu thủ và CLB. Chuyện V. Ninh Bình “đi đêm” bắt cầu thủ dưới 23 tuổi Hoàng Danh Ngọc là một dẫn chứng. Nạn nhân cuối cùng là Danh Ngọc bị treo giò. Sự nhập nhèm về luật và bản ghi nhớ cũng khiến cầu thủ lẫn CLB luôn làm khó nhau qua vụ Đinh Hoàng La đi khỏi Ninh Bình. Gần đây nhất là vụ bầu Kiên của CLB Hà Nội đe dọa cầu thủ của mình Đinh Thanh Trung khi không chịu ra sân vì hết hợp đồng…

Trong một môi trường mà càng nhiều kẽ hở để lách luật thì sự tranh cãi, kiện tụng càng cao và càng tạo ra nhiều phản ứng ngược.

Trên bình diện bóng đá thế giới cũng từng nổ ra một vụ mang tính chất cách mạng cho bóng đá thế giới đó là vụ Bosman. Một vụ kiện nổi đình nổi đám trong làng bóng châu Âu nhưng qua đó đã tạo ra hành lang pháp lý cho các cầu thủ bằng việc hoàn thiện về luật qua những bổ sung cần thiết.

Những chuyện tương tự như thế nếu như bóng đá Việt Nam không cập nhật và không “luật hóa” thì sẽ còn “đánh nhau” dài dài, làm hại và tổn thất bóng đá Việt Nam.

Đại diện Bộ VH-TT&DL cho biết đến thời điểm hiện tại, hiệu lực của hợp đồng giữa LĐBĐ VN và AVG được các bên tôn trọng. Bộ đã nhận được đơn khiếu nại của VPF và sẽ thực hiện các trình tự giải quyết theo đúng quy định của Luật Khiếu nại tố cáo. Nếu như bên khiếu nại không thống nhất với quyết định của thanh tra thì thẩm quyền giải quyết thuộc về cấp trên trực tiếp của người ra quyết định mà ở đây sẽ là bộ trưởng Bộ VH-TT&DL.

DUY ÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm