Thêm 3 người ở TP Thủ Đức ngộ độc botulinum do ăn giò lụa và mắm để lâu

(PLO)- Ba người ở TP Thủ Đức (TP.HCM) ngộ độc botulinum do ăn giò lụa bán dạo và mắm để lâu ngày.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tối 20-5, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) thông tin đang phối hợp cùng BV Nhân dân Gia Định điều trị cho ba trường hợp mới bị ngộ độc botulinum. BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy, cho biết cả ba bệnh nhân này đều ngụ tại TP Thủ Đức, thuộc hai gia đình khác nhau.

Đã có 6 bệnh nhân bị nhiễm độc

Cụ thể, vào ngày 13-5, cả ba người gồm hai anh em ruột (18 tuổi và 26 tuổi) ăn bánh mì kẹp chả lụa của người bán dạo, người còn lại là nam 45 tuổi ăn một loại mắm để lâu ngày.

Đến ngày 14-5, cả ba bệnh nhân đều có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, đau đầu, choáng váng, tiêu chảy,… sau đó tiến triển nặng hơn dẫn đến yếu cơ, khó nuốt, nhìn đôi.

Hai bệnh nhân ngộ độc botulinum đang phải thở máy. Ảnh: BVCC

Hai bệnh nhân ngộ độc botulinum đang phải thở máy. Ảnh: BVCC

Theo BS Hùng, bệnh nhân 18 tuổi có diễn tiến sớm nhất và được người nhà đưa đến cấp cứu tại BV Bệnh nhiệt đới (TP.HCM). Đến chiều 15-5, bệnh nhân 45 tuổi được chuyển đến BV Nhân dân Gia Định. Bệnh nhân còn lại 26 tuổi bị triệu chứng nhẹ hơn nên đã tự đến BV Chợ Rẫy để được điều trị.

Khai thác bệnh sử từ gia đình và các triệu chứng, các BS hội chẩn và thống nhất bệnh nhân bị ngộ độc botulinum. BV Nhân dân Gia Định đã lấy mẫu thức ăn đi xét nghiệm thì xác định có độc tố botulinum.

Sau hội chẩn, các BS quyết định chuyển bệnh nhân 18 tuổi đang điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới về BV Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị.

BS Hùng cho biết thêm, hiện hai bệnh nhân 26 tuổi và 45 tuổi phải thở máy, sức cơ chỉ còn 1/5, không tự thở được. Bệnh nhân còn lại chưa phải thở máy. Tuy nhiên, BS dự đoán có nhiều khả năng trong một vài ngày tới, bệnh nhân còn lại này phải thở máy.

Như PLO đã đưa tin, ngày 13-5, gia đình bốn người (ngụ TP.Thủ Đức) gồm một người dì cùng ba anh em ruột là NVH (14 tuổi), NVĐ (13 tuổi) và NTX (10 tuổi) mua giò lụa từ người bán dạo không rõ nguồn gốc để ăn với bánh mì. Trong đó có ba trẻ nghi bị ngộ độc botulinum.

Rạng sáng 16-5, BV Chợ Rẫy điều chuyển cấp tốc hai lọ thuốc giải độc BAT còn lại sau đợt điều trị cho chùm ca bệnh ngộ độc botulinum do ăn cá ủ muối chua vào tháng 3-2023 từ Quảng Nam vào TP.HCM kịp thời cứu thành công ba trẻ bị ngộ độc botulinum do ăn giò lụa.

Đến tối 19-5, BV Nhi Đồng 2 (TP.HCM) thông tin về tình hình sức khỏe của 3 bé trai. Cụ thể, bệnh nhi 10 tuổi sau khi được truyền tĩnh mạch huyết thanh kháng độc tố BAT thì tri giác tỉnh, sinh hiệu ổn, sức cơ tiến triển, chuyển sang khoa Nội tiếp tục điều trị.

Tuy nhiên, sau đó bé trai diễn tiến suy hô hấp tăng dần, được đặt nội khí quản chuyển lại khoa Hồi sức tích cực vào hôm qua (18-5).

Theo BS điều trị, hiện sức cơ tứ chi của bé trai này chưa cải thiện, thở máy thông số thấp. Bé được nuôi ăn qua ống thông dạ dày, tri giác tỉnh, còn sụp mi, chụp MRI não không ghi nhận bất thường.

Tình trạng bệnh nhi 13 tuổi hiện vẫn thở máy thông số thấp, kích thích đau đáp ứng, thực hiện được theo y lệnh và sức cơ tứ chi có cải thiện.

Còn bệnh nhi 14 tuổi hiện tình trạng có diễn tiến tốt nhất, không phải thở máy, được chuyển khoa Nội. Vậy nhưng, bé trai này còn nuốt kém, phải nuôi ăn qua ống thông dạ dày.

Hết thuốc giải độc!

Hiện tại các tỉnh phía Nam và cả nước đã cạn thuốc giải độc tố botulinum. Ngày 16-5, hai lọ giải độc BAT cuối cùng đã được chuyển từ Quảng Nam về TP.HCM để cứu sống ba anh em ruột bị ngộ độc do ăn giò lụa từ người bán dạo.

Trước đó, BV Chợ Rẫy điều phối năm lọ thuốc giải độc có giá 8.000 USD/lọ ra Quảng Nam để cứu bệnh nhân ngộ độc sau ăn món cá chép muối ủ chua.

Theo BS BV Chợ Rẫy, trường hợp ngộ độc botulinum, nếu được sử dụng thuốc BAT giải độc đặc hiệu sớm, chỉ trong vòng 48-72 tiếng, bệnh nhân có khả năng thoát khỏi tình trạng bị liệt, không cần phải thở máy. Hoặc nếu thở máy, trong khoảng thời gian trung bình từ 5-7 ngày, bệnh nhân có thể hồi phục và cai máy thở.

Tuy nhiên trường hợp không có thuốc giải độc BAT, BS phải điều trị hỗ trợ chủ yếu là nuôi dưỡng và thở máy. Vì chất độc của botulinum làm tổn thương hệ thần kinh dẫn tới liệt cơ, không thở được.

Trước đây chưa có hỗ trợ về máy thở, hỗ trợ xâm lấn đường hô hấp, bệnh nhân sẽ rất dễ tử vong. Ngày nay đã có phương tiện hỗ trợ như thở máy, vấn đề điều trị ngộ độc sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên kết quả không được mong muốn như khi sử dụng thuốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm