Thêm đề xuất không cho người lao động nhận BHXH một lần

(PLO)- Bộ LĐ-TB&XH đề xuất thêm phương án người lao động tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH mới có hiệu lực sẽ không được rút BHXH một lần.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành và người dân, Bộ LĐ-TB&XH vừa trình Chính phủ Luật BHXH (sửa đổi). Trong đó, cơ quan soạn thảo đề xuất thêm phương án không cho người lao động (NLĐ) mới tham gia BHXH nhận BHXH một lần.

Ba phương án nhận BHXH một lần

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất ba phương án quy định điều kiện nhận BHXH một lần, tăng một phương án so với dự thảo lấy ý kiến trước đó. Cụ thể, phương án 1 là giữ nguyên quy định hiện hành, tức NLĐ tham gia dưới 20 năm BHXH và sau một năm nghỉ việc không tiếp tục đóng BHXH tự nguyện được rút một lần.

Phương án 2 là cho NLĐ rút một lần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào hai quỹ Hưu trí, Tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Phương án 3 (phương án mới đề xuất) là “không áp dụng quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 77 đối với NLĐ bắt đầu tham gia BHXH từ ngày luật này có hiệu lực thi hành”.

Phía Bộ LĐ-TB&XH cho rằng trong dài hạn thì phương án 3 tối ưu hơn, không ảnh hưởng tới những người lao động đang tham gia BHXH. Ảnh minh họa: V.LONG
Phía Bộ LĐ-TB&XH cho rằng trong dài hạn thì phương án 3 tối ưu hơn, không ảnh hưởng tới những người lao động đang tham gia BHXH. Ảnh minh họa: V.LONG

Như vậy, NLĐ đang tham gia BHXH vẫn được rút BHXH một lần. Sau khi Luật BHXH mới có hiệu lực thì những người tham gia BHXH (sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm), không được rút BHXH một lần.

Trường hợp nhận BHXH một lần chỉ còn lại các đối tượng như sau: Người đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đóng BHXH đủ 15 năm; người ra nước ngoài định cư; người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng bao gồm ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS; người đang bị mắc những bệnh nguy hiểm đến tính mạng không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản này theo quy định của Bộ Y tế.

“Không tác động đến hơn 17,5 triệu người đang tham gia BHXH”

Phía Bộ LĐ-TB&XH cũng cho rằng trong dài hạn thì phương án 3 tối ưu hơn và không ảnh hưởng tới những NLĐ đang tham gia BHXH.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học LĐ&XH, cho rằng Quỹ BHXH về mặt lý thuyết là “rủi ro gì phòng ngừa đó”. Theo đó, NLĐ đóng vào Quỹ BHXH sẽ hưởng các chính sách ngắn hạn ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp; chính sách dài hạn là hưu trí.

Số người ủng hộ cho NLĐ rút BHXH một lần lấy lý do họ khó khăn vì không có thu nhập nhưng đứng về mặt bảo hiểm thì không đúng. “Vì NLĐ mua bảo hiểm gặp rủi ro nào thì khi rủi ro đó xuất hiện mới được hưởng. Chẳng hạn như mất việc làm hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp… nên việc cho rút BHXH một lần không đúng cả lý thuyết và thực tiễn” - bà Hương nói.

Theo Bộ Tư pháp, rút BHXH một lần là chính sách lớn, một trong những thay đổi cơ bản của lần sửa đổi Luật BHXH, đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, phức tạp nên cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ tác động của mỗi phương án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm