Ngày 21-7, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học “Trung tướng Nguyễn Bình, nhà quân sự tài năng, đức độ”, nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh Trung tướng Nguyễn Bình (30-7-1908 – 30-7-2023).
Hội thảo khoa học về vị Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam do Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM tổ chức. Ảnh: T.THUỲ |
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phạm Đức Hải nhấn mạnh, trong những năm kháng chiến chống xâm lược giành độc lập, tự do cho đất nước; lịch sử cách mạng hào hùng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ mãi khắc ghi tên tuổi của những chiến sĩ cộng sản, những người lãnh đạo, những nhà quân sự tài năng, đức độ, bản lĩnh. Một trong những nhà quân sự tài năng, đức độ, bản lĩnh đó là Trung tướng Nguyễn Bình.
Mặc dù Trung tướng Nguyễn Bình sớm hy sinh, nhưng công lao của ông đối với Tổ quốc và nhân dân ta mãi còn đó.
Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM đánh giá, trong quá trình hoạt động cách mạng trên chiến trường Miền Nam và Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, bằng tư duy chính trị sắc sảo, nhạy bén, sáng tạo và khí chất, tinh thần dũng cảm, Trung tướng Nguyễn Bình đã có nhiều đóng góp lớn cùng toàn Đảng, toàn dân vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, góp phần làm nền tảng đưa sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng.
Thiếu tướng Phan Văn Xựng tham luận tại hội thảo. Ảnh: T.THUỲ |
Với tài thao lược, ứng xử nghĩa hiệp và giàu đức hy sinh, ông đã thu phục lòng dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Bác Hồ giao với lời dặn dò “ái quốc, ái dân và bình thiên hạ cho an sinh hòa mục”.
Vị Trung tướng đã có những quyết định sáng tạo, giải quyết được những vấn đề rất cơ bản ở chiến trường miền Nam và Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Ông đã xây dựng lực lượng và chỉ đạo hoạt động vũ trang trên chiến trường Miền Nam và Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định; sâu sát nắm tình hình, tổ chức xây dựng lực lượng chiến đấu nội thành, tiền thân của lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, mở ra loại hình chiến đấu mới cho lực lượng vũ trang; trực tiếp chỉ đạo và tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ quân sự và xây dựng hậu phương, căn cứ kháng chiến lâu dài.
Nhiều tham luận tại hội thảo cũng đã chỉ rõ những bài học quý giá được rút ra từ cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức cách mạng của Trung tướng Nguyễn Bình và vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc…
Kết luận hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê khẳng định, Trung tướng Nguyễn Bình là người cộng sản chân chính ngay từ khi chưa là đảng viên, một tài năng quân sự bẩm sinh, người chỉ huy có tư chất đặc biệt.
Ông cũng là vị tướng tài năng được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy cử vào chỉ huy cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Đồng thời, có công lao thu phục, xây dựng và thống nhất các lực lượng vũ trang ở Nam Bộ.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng, cuộc đời và sự nghiệp của Trung tướng Nguyễn Bình là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân TP. HCM và các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam học tập và noi theo.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê phát biểu kết luận hội thảo. Ảnh: T.THUỲ |
Đó là tấm gương về sự kiên trung với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân của Đảng; tấm gương về lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đánh giá và sử dụng cán bộ.
“Ông là người công tâm, khách quan và có lòng vị tha rất lớn, nhưng cũng rất thận trọng, có nguyên tắc và kỷ luật nghiêm. Bằng chính tài năng và nhân cách của mình, ông đã quy tụ được nhiều nhân tài cho cách mạng, từ người lao động đến trí thức; từ nhà sư, linh mục đến những người gọi là giang hồ, hảo hán… Ông biết cách sử dụng và động viên họ phát huy tài năng phục vụ cách mạng”- Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM nhìn nhận.
Trung tướng Nguyễn Bình còn là tấm gương về sự gắn bó mật thiết với nhân dân, phát huy được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân; là tấm gương về sự can đảm, sẵn sàng xông pha, đương đầu vào nơi nguy hiểm và những thời điểm khó khăn nhất.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng, hội thảo là dịp để suy ngẫm, soi rọi và liên hệ với trách nhiệm của cá nhân mình, cơ quan, đơn vị, địa phương. Góp phần bồi dưỡng nhận thức, củng cố niềm tin, tiếp tục thực hiện lý tưởng cách mạng mà toàn Đảng, toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây dựng, bảo vệ, trao truyền lại cho thế hệ sau.
Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam
Trung tướng Nguyễn Bình tên thật là Nguyễn Phương Thảo, nguyên Chỉ huy Bộ, ủy viên xứ Quân ủy, ủy viên Quân sự trong ủy ban hành chính kháng chiến Nam Bộ. Tham gia phong trào yêu nước từ khi mới 16 tuổi.
Ngày 25-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 115 phong quân hàm cấp trung tướng cho khu trưởng Khu 7 Nguyễn Bình. Ông trở thành Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trên đường thi hành nhiệm vụ, ông bị địch phục kích và hy sinh ngày 29-9-1951 tại Campuchia.
Năm 2000, đoàn công tác Bộ Quốc phòng đã tìm thấy và đưa hài cốt trung tướng Nguyễn Bình về nước và mai táng tại nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM. Ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.