Thêm nhiều tư liệu mới về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa

Tại cuộc họp báo sáng 16-8, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ TT&TT) Lê Văn Nghiêm cho biết cuộc triển lãm tại TP.HCM sẽ bổ sung một số tư liệu mới về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa so với những lần trước đây (diễn ra ở Hà Tĩnh và Hà Nội). Những tư liệu mới này chủ yếu từ sưu tầm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, TS Nguyễn Nhã và một số tư liệu khác. “Triển lãm lần này được bổ sung một số tư liệu nhằm cung cấp các nguồn tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hệ thống và chuẩn xác. Từ đây, góp phần nêu cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của mọi người dân, đặc biệt là tầng lớp thanh, thiếu niên trong sứ mệnh bảo vệ chủ quyền biển, đảo nước nhà” - ông Nghiêm nói.

Tại cuộc triển lãm, gần 150 bản đồ và nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật và ấn phẩm được trưng bày là tập hợp các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả ở trong nước và quốc tế. Các nhóm tư liệu chính gồm phiên bản của các văn bản Hán-Nôm, văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam ban hành từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20; tập bản đồ gồm 95 bản đồ chứng minh chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Việt Nam, phương Tây và Trung Quốc công bố từ thế kỷ 16 đến nay.

Cũng tại triển lãm này, bốn cuốn atlas (tập bản đồ chính thức) do các nhà nước Trung Quốc xuất bản trong các năm 1908, 1917, 1919 và 1933 như Trung Quốc địa đồ, Trung Quốc toàn đồ, Trung Hoa bưu chính dư đồ… cũng được trưng bày cho người dân xem. Các atlas này là sản phẩm của chương trình thiết lập bản đồ bưu chính do nhà Thanh đề ra vào năm 1906 và được chính phủ Trung Hoa dân quốc kế tục vào các năm sau đó. Trong những atlas này, phần lãnh thổ Trung Quốc chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam mà không hề nhắc đến Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Rõ ràng giá trị của mỗi bản đồ, tư liệu cũng như toàn bộ tư liệu trưng bày trong triển lãm đều góp phần khẳng định một thực tế lịch sử khách quan. Đó là trong nhiều thế kỷ liên tục, các nhà nước quân chủ Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền của mình ở Hoàng Sa - Trường Sa một cách thực sự đầy đủ và không hề gặp phải sự phản đối hay tranh chấp của bất kỳ quốc gia nào. Quá trình thiết lập chủ quyền của nhà nước trên một lãnh thổ vô chủ, nhằm mục đích mở rộng lãnh thổ quốc gia như vậy là hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ của luật pháp quốc tế.

MAI THANH - MC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm