Theo chu kỳ, năm 2025 thị trường bất động sản được hưởng lợi?

(PLO)- Chuyên gia cho rằng năm 2025, thị trường bất động sản cơ bản ổn định, rủi ro thấp. Song vẫn cần thực thi nhiều cơ chế, chính sách thuế đồng bộ để phát triển lành mạnh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

GDP tăng, lương tăng... vì sao lạm phát thấp?

Năm 2024, GDP tăng cao, ở mức 7,09%, cùng với đó là chính sách tăng lương được áp dụng... nhưng lạm phát vẫn được kiểm soát ở mức thấp. Vấn đề trên được nhiều chuyên gia mổ xẻ tại hội thảo "Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2024 và dự báo năm 2025" tổ chức tại Hà Nội, sáng 9-1.

Lý giải, TS Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng chủ yếu do lạm phát thế giới hạ, làm giảm áp lực lạm phát từ bên ngoài.

Mặc dù tăng trưởng GDP cao song cầu nội địa vẫn thấp (thấp nhất từ năm 2022) do người dân thắt chặt chi tiêu.

Giá lương thực, thực phẩm không tăng cao, trừ thời gian ngắn sau bão Yagi vào tháng 9-2024 do Việt Nam là nước sản xuất nông sản lớn, nguồn cùng dồi dào. Giá năng lượng (điện, than, xăng, dầu) do Nhà nước quản lý và điều tiết.

Lý giải thêm, bà Nguyễn Thị Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) nhận định, lạm phát thấp vì trong bối cảnh khó khăn, để duy trì cạnh cạnh, doanh nghiệp giảm lợi nhuận bằng cách không tăng giá hàng hóa.

Cùng với đó, chính sách miễn, giảm thuế, lệ phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, nên đã giúp giảm bớt áp lực lạm phát. Ngoài ra, việc kiểm soát lạm phát phụ thuộc nhiều vào Chính phủ điều hành thận trọng giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý; chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt.

Thị trường bất động sản 2025 ít rủi ro

Bước sang phiên thứ 2, các chuyên gia tập trung thảo luận về diễn biến thị trường bất động sản, các ngành nghề... PGS.TS Trần Kim Chung - nguyên Phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương - nhận định, thị trường bất động sản năm 2025 sẽ phải đối mặt với một số rủi ro nhất định.

Đó là liên quan tới các rủi ro quốc tế. Trong bối cảnh xung đột địa chính trị trên thế giới đang rất khó lường cộng với cạnh tranh giữa các nước lớn,...rủi ro kinh tế xã hội quốc tế là hiện hữu nhưng rất khó đoán định.

Tuy nhiên, năm 2025, nền kinh tế vĩ mô được dự báo ổn định. Vì vậy, thị trường bất động sản, về cơ bản, sẽ ổn định.

“Thông thường, theo chu kỳ 10 năm của thị trường bất động sản, năm 2025 là năm thị trường bất động sản được hưởng lợi từ các chính sách kinh tế vĩ mô”, PGS.TS Trần Kim Chung nói.

Ngoài ra, cơ chế năm 2025 sẽ không có nhiều. Các chính sách cơ bản đã được thông qua năm 2024, mặc dù còn một số chính sách cần tiếp tục, nhưng cơ bản, sẽ không xuất hiện vào năm 2025. Vì vậy, rủi ro chính sách năm 2025 rất ít.

Song, năm 2025, ngoài những biến động lớn nằm ngoài nền kinh tế Việt Nam, không có nhiều chỉ báo về biến động của thị trường trong nước nên có thể thấy, rủi ro thị trường bất động sản năm 2025 thấp.

Trong bối cảnh đó, PGS.TS Trần Kim Chung đưa ra 3 kịch bản của thị trường bất động sản trong năm 2025.

Kịch bản trung tính, thị trường có dấu hiệu tăng nhiệt nhưng không mạnh. Đây là kịch bản có khả năng xảy ra nhất, rõ nét nhất trong bối cảnh cuối năm 2024.

Kịch bản tích cực, thị trường bùng nổ, các phân khúc đều tăng trưởng mạnh mẽ. Dù vậy, kịch bản này sẽ rất ít khả năng xảy ra.

Kịch bản khó khăn, là kịch bản không ai mong muốn nhất, ít có khả năng xảy ra, đó là thị trường đi xuống. Tuy nhiên, vẫn có thể xảy ra nếu xuất hiện những yếu tố bên ngoài nền kinh tế.

thị trường bất động sản
Dự báo, thị trường bất động sản năm 2025 sẽ cơ bản ổn định. Ảnh: NGỌC DIỆP

Trước những tác động bất lợi đối với thị trường bất động sản, PGS.TS Trần Kim Chung kiến nghị tiếp tục đẩy mạnh công tác thể chế hóa các vấn đề liên quan đến thị trường bất động sản, đặc biệt là công cụ thuế và các công cụ tài chính phái sinh.

Đồng thời khẩn trương thông qua Luật Thuế bất động sản. Thứ hai, nghiên cứu hiện thực hóa các công cụ tài chính phái sinh, như chung chia sở hữu, quỹ tiết kiệm tương hỗ, hệ thống tái thế chấp, quỹ đầu tư tín thác bất động sản.

Ông Chung đề nghị hiện thực hóa các cơ chế và đưa vào thực thi cơ chế, như: thu hồi đất phụ cận các công trình hạ tầng đưa vào đấu giá, xây dựng theo quy hoạch tạo vốn phát triển hạ tầng.

Ngoài ra, vị này kiến nghị có cơ chế dùng ngân sách địa phương đầu tư cho công trình hạ tầng của Trung ương và công trình hạ tầng ngoài tỉnh (trong liên kết vùng)...

PGS.TS Trần Kim Chung cũng đề nghị đồng bộ hóa các quy hoạch trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Điều quan trọng nhất là cần được đồng bộ hóa các quy hoạch và đặt trên nền bản đồ giải thửa.

Một thập kỷ lạm phát dưới 4%

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2024 của Việt Nam đã tăng 3,63% so với năm 2023. Như vậy, đây là năm thứ 10 liên tiếp Việt Nam thành công trong việc kiểm soát lạm phát trung bình ở mức dưới 4%.

Tính chung giai đoạn 2015-2024, trung bình lạm phát chỉ ở mức 2,8%/năm, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 10,2%/năm của 10 năm trước đó.

Ngoài ra, tập trung rà soát, thống nhất, đồng bộ hóa kế hoạch phát triển đô thị, hạ tầng và sản xuất trên địa bàn tỉnh thông qua đồng bộ hóa quy hoạch và kế hoạch triển khai các quy hoạch. Từ đó, có chương trình hành động cấp tỉnh về phát triển đô thị, nông thôn và các công trình hạ tầng, các dự án bất động sản.

"Thị trường bất động sản năm 2025 sẽ phát triển theo hướng bùng nổ nếu hội tụ cùng lúc thể chế hóa đầy đủ các văn bản liên quan; đồng bộ hóa quy hoạch; tài chính hóa đầy đủ các công cụ phái sinh; số hóa các thông tin thị trường và khu biệt hóa đến thửa công tác quản lý đất đai, bất động sản", ông Chung nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm