Tài liệu tổng kết cho thấy trong những năm qua, lực lượng thi hành án dân sự cả nước đã nghiêm túc tinh giản biên chế theo chủ trương chung của Đảng, Chính phủ, giảm bình quân 200 biên chế/năm. Vậy nhưng vẫn đảm đương được khối lượng công việc ngày càng tăng.
Chẳng hạn so với 2018 thì năm 2019 này, tổng số việc có điều kiện thi hành án được là hơn 737.000 (tăng 3,66% so với cùng kỳ), thì đã thi hành xong được hơn 579.000 việc, đạt tỉ lệ gần 78,6% - vượt chỉ tiêu Bộ Tư pháp giao gần 6%.
Còn tính theo giá trị, số có điều kiện thi hành án là gần 148.800 tỉ đồng (tăng gần 65,6% so với cùng kỳ 2018), thì kết quả thi hành xong là hơn 52.700 tỉ đồng - tăng hơn 2,4% so với chỉ tiêu được giao.
Bộ Tư pháp triển khai chỉ tiêu, nhiệm vụ cho toàn ngành năm 2020. Ảnh: NGHĨA NHÂ
Trao đổi với PLO, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Mai Lương Khôi cho biết thành công trên là kết quả của quá trình tăng cường kỷ luật toàn hệ thống; nghiêm khắc với cán bộ có sai phạm. Đồng thời liên tục phối hợp với cấp ủy địa phương để săn cán bộ trẻ, có kinh nghiệm, dám đương đầu khó khăn, thách thức, đầu quân cho các cục, chi cục thi hành án. Cán bộ năng nổ, tinh thông nghiệp vụ, có phương pháp tranh thủ, phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền, qua đó thúc đẩy công tác thi hành án dân sự.
Về nhiệm vụ 2020, Tổng cục Thi hành án dân sự đặt ra các chỉ tiêu cụ thể, mà yêu cầu cao nhất là kết quả thi hành xong trên tổng số việc có điều kiện thi hành năm 2020 phải cao hơn 2019. Trong đó chú ý nâng cao chất lượng thi hành các vụ việc liên quan đến khoản nợ của các tổ chức tín dụng, các khoản thu cho ngân sách và đặc biệt chú trọng việc thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
2020 là năm bản lề cho tổng kết năm năm triển khai Luật Thi hành án dân sự. Do đó, công tác hoàn thiện thể chế được ưu tiên là rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.
“Pháp luật thi hành án dân sự vừa qua đã được hoàn thiện một bước bằng các thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, gốc là Luật Thi hành án vẫn còn theo tư duy cũ, nhiều bất cập. Cán bộ thi hành án, người được thi hành án cũng như người có nghĩa vụ thi hành án phải đối mặt với nhiều quy trình, thủ tục phức tạp, mà nhiều khi thiếu khoa học và chứa đựng rủi ro. Có lẽ cần có những sửa đổi, bổ sung triệt để hơn thì công tác thi hành án dân sự - khâu cuối cùng, khó khăn nhất, phức tạp nhất, có tính kiểm nghiệm lại chất lượng nền tư pháp mới thông suốt, hiệu quả được” - ông Mai Lương Khôi chia sẻ.